Trong cái gió thổi từng đợt tanh nồng, bà Hải và cu Yến ôm xác Hạnh
mà khóc hu hu. Hạnh chết khi chưa đầy tuổi “đang xoan”. Cái tuổi đương
xanh, xanh mướt. Nỗi đau róng riết đó như vắt kiệt hết nước mắt của đời bà
Hải. Hôm đó Hai Nhị và Ba xuân chết đứng bên gốc dương. Hai Nhị cứ
nhìn chăm chăm vào đôi bàn tay run rẩy của chính mình, còn Ba xuân thì
bấu chặt xuống thảm lá dương khô dày dưới đất. Hai người không khóc.
Không khóc mới đáng sợ. Vì không khóc nỗi đau chìm vào sâu bên trong,
nó mưng mủ, buốt đến tận xương, tận óc, tận tim.
Sáng ấy, Hai Nhị tham gia bố ráp.
Sáng ấy, Ba xuân chỉ huy một mũi chống càn. Hai Nhị là “lính quốc gia”.
Ba xuân là chỉ huy du kích.
Chị cả Hạnh vừa vùi được mớ tài liệu xuống gốc bụi rười, trở lại đến mé
hàng dương bờ cát thì gục sấp. Viên đạn lạc găm giữa trán, một vệt máu
khô xanh đen mảnh như lá dương chéo từ hai bên hốc mắt xuống mép. Thật
lạ, cặp mắt cả Hạnh khép hờ mà vẫn óng ánh một nụ cười mãn nguyện. Cả
Hạnh chết giữa cuộc càn. Bà Hải thương đứa con gái yểu mệnh, mồ côi
cha, góa bụa, sống lam lũ bươn chải trên cát, chết nằm xuống cát… con gái
chết, bà Hải đau lắm, nhưng bảo bà căm thù kẻ đã giết người, kẻ đã giết
con mình thì bà phải căm thù như thế nào đây? Dẫu rằng viên đạn giết chết
cả Hạnh không bay ra từ tay súng của thằng Hai, nhưng nó cũng là phía bên
kia. Phía bên vừa sáng sớm đã xua quân đến bố ráp, đàn áp dân lành. Cái
chết của cả Hạnh đến dễ và nhanh như trở bàn tay ngửa lên rồi lật úp. Cái
chết nhẹ tênh, nhẹ như nụ cười mãn nguyện trên môi đứa con gái yêu quý
của bà. Bà Hải đau lắm! Nỗi đau trong lòng bà càng vun đắp niềm tin vào
tương lai, vào chính nghĩa mà nụ cười chiến thắng của con gái đã nói ra
điều đó. Bà biết, chính bà chứ không phải ai khác, chính bà đã chỉ đường
cho hai đứa con trai trong nhà: “Muốn được sống yên lành thì một thằng
phải lên bốt làm nội gián, một thằng phải vô du kích…”. Một thằng làm
“lính quốc gia”, một thằng chỉ huy du kích, làm sao thằng này che đạn
được cho thằng kia?
***