- Không được đâu mạ ơi. Một nhà mình thì còn có thể chứ cả làng này
thì sao bỏ đi lên chiến khu hết được. Ở đâu cũng vậy thôi mạ ơi. Đang đánh
nhau mà!
Hạnh vừa bước ra khỏi buồng vừa nói.
Hai Nhị nhìn mạ, khi ánh mắt chạm phải nếp nhăn trên mặt bà, tự nhiên
anh thấy xót xa. Cả cuộc đời bà, hình như chưa bao giờ được thanh thản
ngồi ngắm trời, ngắm đất.
- Bữa nay bán được không mạ?
Bà Hải se sẽ lắc, nghoảnh đầu gọi với xuống nhà dưới:
- Hạnh, đem mấy con cá đi muối mắm giùm mạ đi con.
Vừa thấy chị cả, Hai Nhị hỏi trống không:
- Nhà còn gạo không?
- Cũng sắp hết gạo rồi!
- Ừa. Để em tính.
Hai Nhị cúi xuống, cầm tay bà Hải, anh cảm nhận rõ những đường gân
nham nhám gờn gợn trong tay. Hai Nhị cũng không hiểu sao đôi tay này
ngày càng gân guốc và gầy đi nhiều rứa. Hai Nhị cầm tay mạ rất lâu, ái
ngại. Buông tay mạ, Hai Nhị nghĩ thầm - Không sao, không sao, cũng sắp
đến kỳ lương rồi.
Trong buồng, cu Yến đang ngồi chơi với Ba xuân “cho cậu đỡ buồn”, nó
thấy cậu út quay mặt vô vách. Cu Yến ngồi ở đầu giường, liếc mắt nhìn
sang thấy trái khế nơi cuống họng cậu cứ chạy lên chạy xuống liên tục.
***
Sau dạo đó, Hai Nhị và Ba xuân ít khi gặp nhau. Phần vì công việc trên
đồn, Hai Nhị không được cấp trên ưa nên hay bắt bẻ này nọ và giao nhiều
công vụ. Đến cả việc đồn cho xe đi lấy nước cũng phải có lính đi kèm, mà
công việc nặng nhọc đó thường xuyên được giao cho Hai Nhị. Ba xuân thì
với lí do sức khỏe chưa thực sự hồi phục sau lần bị thương ở cánh tay nên ít
khi về nhà. Mà nhiều khi về đến nhà thì Hai Nhị đã ngủ lâu rồi. Mà cái nết
của anh, Ba xuân là người hiểu rõ nhất. Hai Nhị đã ngủ say, nếu muốn đánh