Trung đội tôi được dẫn sang làng khác, đóng ở mấy nhà ven làng. Một
nhà có cây khế rất sai, quả to, cả bọn ào ào vượt qua mương vào vặt ăn.
Khế rất ngọt. A5 và A6 được bố trí ở hai nhà khá tốt. A4 được phân vào
một nhà chả ra sao: một cái hầm thì có nước, một cái khác thì trơ sườn. Tôi
rất cáu với ông Trung, B trưởng, nhưng anh Thanh thì lại đang đi hội ý
vắng, biết nói với ai.
Cái làng này bị bỏ hoang trông thật điêu tàn, không một bóng người.
Cỏ dại mọc tùm lum trong vườn và trong các ngõ xóm, cao đến đầu gối.
Đường làng bị tay tre ngả ra che kín lối, muốn đi nhiều chỗ phải chui, gai
tre cào rách cả da.
Trên sân nhà tôi ở, lúa đã mọc thành bụi. Khi bước vào nhà, một mùi
ẩm mốc xông lên. Cả gian giữa là cót thóc, ở một góc mạ đã mọc xanh rì.
Quần áo cũ một đống; bát đũa nồi xoong vung vãi, dưới bếp còn có cả một
chĩnh đậu đen. Chúng tôi nấu cơm ăn. Anh Thanh vừa về cũng rất bực kiểu
phân nhà của ông Trung.
Tôi lội vườn sang mấy nhà bên cạnh xem xét, thấy cũng hoang tàn
như vậy, còn có thêm vài cái xe đạp hỏng nằm chỏng gọng. Nhưng được
cái có mấy cây ổi con mà nhiều quả chín, ăn ngọt phết. Lại thêm mấy vạt
rau muống mọc lẫn cỏ và một luống rau dền to, non.
Buổi chiều tập hợp Trung đội để công bố một cái lệnh làm tất cả
chúng tôi ngạc nhiên: Ông Trung được điều đi công tác khác, anh Thanh
lên làm B trưởng. Việc ông Trung được điều đi làm chúng tôi rất mừng,
nhưng ngoài mặt ai cũng tỏ ra như không có chuyện gì cả. Một số cậu xỏ lá
cứ ca cẩm: “Anh Trung mất đi, tổn thất này thật là lớn lao, đau thương này
thật là vô hạn…”. Một Trung đội phó mới được cử về, tên là Tài, người
Thanh Hóa. Anh khoảng 20-21 tuổi, dáng vẻ lù đù, rất ít nói, và sẽ thường
xuyên đi với A6. Còn anh Thanh vẫn tiếp tục đi với A4 của tôi.