thấy hố pháo, máu đọng thành vũng, còn một ít mảnh xương thịt vụn lổn
nhổn trong đó. Mùi tanh tưởi bốc lên, đúng là không thịt gì tanh bằng thịt
con người. Thương anh Phùng quá, vẫn nhớ lời anh nói: “Có chết vì pháo
thì thường chết từ quả đầu tiên...”. Hào cát chật hẹp, nhiều đoạn nông
choèn, chúng tôi hầu như phơi lưng trên mặt đất. Pháo địch vẫn rít tới tấp
trên đầu, đạn nổ liên tiếp, khói mù mịt. Rồi cũng ra khỏi được bãi pháo địa
ngục, tôi dìu Duy Minh chạy trên quãng đồng trống về phía Làng 9.
Tới rìa làng, hai đứa tạm biệt, tôi cầm tay Duy Minh nói: “Cậu bị
thương nặng như thế này chắc được ra Bắc. Về Hà Nội nhớ ghé nhà mình,
Minh nhé...”. Cả hai đứa đều không cầm được nước mắt... Mãi sau này mới
biết Duy Minh chỉ được chuyển thương ra đến Viện 112 Quảng Bình điều
trị. Vết thương đỡ, Ngô Duy Minh được giữ lại làm Y tá, rồi năm 1973
được cử đi học Quân y....
“Cậu bị thương nặng như thế này chắc được ra Bắc. Về Hà Nội nhớ
ghé nhà mình Minh nhé...”. ND Minh và Vinh.
Những ngày nằm chốt ở Làng 8, Thanh Hội, thật buồn thê lương. Tôi
hay mò đến hầm Chí Thành cách đó khoảng 100m để tán gẫu. Đợt này cậu
ấy đeo máy vô tuyến 2W xuống phối thuộc ở đại đội tôi. Chí Thành có tấm
ảnh chụp cả lớp 10B quý quá. Tấm ảnh tuy bé, nhưng những khuôn mặt các
bạn Tiến Dũng, Tiến Quỳnh, Bích Đào, Xuân Mai... và nhiều người bạn
thân thương khác nữa vẫn rõ mồn một. Hai đứa lần điểm từng khuôn mặt,
cùng nhắc lại những kỷ niệm vui buồn liên quan đến các bạn đó.
Rồi Chí Thành dạy tôi hát mấy bài nhạc vàng. Khi buồn người ta học
nhạc vàng nhanh lắm. “... Thôi nhé, từ nay cách xa nhau rồi/ Nỗi buồn theo
tháng ngày trôi/ Nụ cười khô héo trên môi... Ngày mai tan trường mình
không chung lối/ Yêu thương nhiều biết gửi về mô/ Kỷ niệm cũ trôi vào hư
vô”… Nghêu ngao hát chán nhạc vàng, hai đứa lại bày trò ra nghịch. Chí
Thành nhặt được ở đoạn hào trước cửa hầm một khẩu M16 nửa vùi trong
cát. Khẩu súng đã rỉ ngoèn, gỉ bịt kín cả nòng súng, nhưng cậu ta vẫn quyết