bốn bề đều có địch. Hai chiến sĩ trẻ của C11, là Lâm Thành và Tường “Hải
Phòng”, đã dựa lưng vào nhau, chĩa súng AK ra hai phía bắn như điên. Mặc
cho máu đang ròng chảy trên mặt một người và máu thấm đẫm vạt sườn
người kia, hai anh vẫn bắn không ngừng, bắn mãi... Đây là lần thứ hai ở
Quảng Trị, sau lần trước ở Ngã ba Long Hưng, La Vang, Thành cổ, Tiểu
đoàn 3 gần như bị xóa sổ. Nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường và lòng
dũng cảm vô biên của các chiến sĩ D3 đã làm thất bại âm mưu chiếm chốt
Long Quang của địch.
Ngay buổi chiều hôm đó, Trung đoàn 48 đã kịp điều động Tiểu đoàn 2
lên đánh phản kích. Hầu hết những điểm chốt bị mất buổi sáng đã được
quân ta chiếm lại. Khi kiểm tra trận địa, thấy Chí Thành và Trần Bình bị
thương nặng, mọi người đã khiêng hai anh cùng các thương binh khác về
Phẫu tiền phương 62. Nằm cạnh Chí Thành ở Phẫu tiền phương, nhưng vì
bị thương vào đầu nên Trần Bình ngất lên ngất xuống. Còn Chí Thành bị
thương vào bụng, khá tỉnh táo, có thể trả lời rành rọt các câu hỏi của y, bác
sĩ. Người ta nghĩ chắc không nghiêm trọng lắm, bèn khiêng anh đặt xuống
hầm thùng cùng nhiều thương binh khác, chờ đến lượt tải thương.
Hầm thùng là những căn hầm nửa chìm nửa nổi, bên trên lợp mái
tranh. Tuy nhiên những trận mưa dầm dề đã biến đáy hầm thành 1 lớp bùn
nhão nhoét. Ba viên đạn xuyên vào sườn làm phân và nước tiểu tràn ra ổ
bụng, lại thêm điều kiện vệ sinh như vậy, nên Chí Thành đã bị nhiễm trùng
uốn ván. Chắc trong đêm anh bị sốt cao và phải chịu những cơn co giật đau
đớn lắm. Đến sáng 19-01-1972 thì Vũ Chí Thành đã chết cứng. Người ta
khiêng anh đi chôn như khiêng một khúc gỗ vậy... Thường những người bị
đạn vào đầu hay được ưu tiên chuyển thương trước, vì vậy ngay đêm hôm
đó Trần Bình được chở bằng xuồng máy ra Phẫu 48 Vĩnh Linh, nằm cạnh
tôi. Cậu ta đã kể lại toàn bộ câu chuyện về những ngày cuối cùng của Vũ
Chí Thành.