phấn đấu rất tốt, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, sau này trở thành giám
đốc của một công ty danh tiếng. Còn số phận những người đồng đội thân
yêu khác của tôi thì sao? Đã hơn 40 năm nay tôi không gặp lại những chiến
sĩ cùng Tiểu đội 4. Tin tức lõm bõm về họ chỉ nghe qua những đồng đội
khác. Anh Thanh Trung đội trưởng cũng bị thương trong trận 17-01-1973.
Anh bị mảnh đạn vào quai hàm, mất mấy cái răng, và bị cụt 1 ngón tay. Sau
này xuất ngũ anh về quê hương Hà Tĩnh và mất hút từ đó.
Chính “con” hay còn gọi là Chính “còm”, vì khi nhập ngũ có 36kg,
thuộc loại thấp bé nhẹ cân, là người bạn thân nhất của tôi ngoài mặt trận.
Sau này Chính con xuất ngũ, sống rất nghèo khổ, gia đình chuyển vào Miền
Nam làm ăn. Nhiều đêm Chính con phải ngủ dưới gầm bàn để trông quán
phở cho con...
Quang “Bạch Mai”, hay Quang “Xỉn”, cũng không khấm khá gì hơn.
Cậu ta bị thương hỏng một mắt, lăn lộn làm đủ nghề để đắp đổi qua ngày.
Nhưng không may là có một đứa con trai thì bị nghiện... Bích “Thái Bình”,
cây B40 của tiểu đội, ra quân về lại quê hương Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Thấy nói cũng chỉ đủ ăn...
Ngô Duy Minh bị thương được được đưa ra Quân y viện 112 Quảng
Bình điều trị, rồi được giữ lại làm Y tá. Sau Hiệp định Paris, cậu ta đi ôn
văn hóa để đi học ĐH Quân y. Hiện nay Ngô Duy Minh là Đại tá, Trưởng
khoa Bệnh viện 198 Hà Nội.
Long “cồ” ra quân được đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức. Nhưng
mới được mấy tháng thì Bức tường Béc-lin đổ, lại phải về nước. Sau đó cậu
ta làm gác cổng ở Công ty Cầu đường Hà Nội cho đến lúc về hưu. Bình
“cống” năm 1974 đi ôn thi đại học cùng tôi, rồi tốt nghiệp Đại học Kinh tế
kế hoạch, về làm Trưởng phòng tổ chức ở Công ty xuất nhập khẩu Máy
công nghiệp cho đến nay.