tình. Lần này vì không còn nhiều thời gian, tôi lấy hết can đảm đến thẳng
nhà em. Em ra mở cửa và rất ngạc nhiên nhìn tôi trong bộ quân phục mới,
rồi mời tôi vào nhà uống nước. Tôi nói: “Anh sắp đi B rồi. Chúc em ở nhà
khỏe vui và nhiều hạnh phúc”. Em cũng ấp úng chúc tôi lên đường mạnh
khỏe, nhiều may mắn. Thế rồi chúng tôi chia tay nhau không một lời hẹn
ước. Khi về đến nhà thì đã thấy một số bạn gái lớp tôi ngồi đợi sẵn:
An, Xuân Mai, Thu Mai, Nga, Giang, Liên…bạn thì tặng tôi túi bàn
chải đánh răng, bạn thì tặng khăn mu-soa, sổ lưu niệm…Tôi biết bạn Chí
Thành thích Xuân Mai lắm, nhưng cũng chưa dám ngỏ lời. Tất cả các bạn
đều chúc chúng tôi lên đường may mắn.
Ngày trả phép, bố tôi mượn chiếc xe com-măng-ca chở cả nhà vào Đại
Mỗ. Ngồi trong xe, tôi lơ đãng nhìn cảnh vật trôi vùn vụt, nhíu mày khi
thoáng thấy những hố bom kếch sù và những khu nhà đổ nát. Ngồi bên
cạnh, bà nội, mẹ tôi cùng bác Quýt vẫn thủ thỉ dặn dò tôi đủ mọi thứ. Bố tôi
ngồi đằng trước thỉnh thoảng mới ngoảnh lại góp chuyện. Sau một hồi lạc
loanh quanh, cuối cùng chúng tôi cũng tìm tới nơi tập kết. Tôi và anh Vân
“số 6” xuống xe đi bộ vào làng. Cả nhà đứng trên đường tàu nhìn theo mãi.
Vào tới nhà bác nông dân mà A4 của tôi đóng quân, tôi thấy vẫn còn
thiếu mấy cậu nữa: Đường “cóc”, Phái “con”, Đệ “người Mỹ”… Mãi đến
hai hôm sau các cậu ấy mò lên. Đến tối gặp anh Bính B trưởng, tôi cũng chỉ
bị phê bình qua loa vì chậm phép 3 ngày. Ấn tượng của mấy ngày phép vẫn
choán phần lớn tâm trí chúng tôi. Tôi và Ngô Duy Minh kể cho nhau nghe
những cuộc gặp gỡ vừa qua, đặc biệt là của Duy Minh với hai bạn gái Hòa
và Dư Loan.
Chí Thành đã lên từ mấy hôm trước, nói với tôi là mẹ Chí Thành và
bạn Quốc Hùng sắp lên thăm. Chúng tôi đi lĩnh quân trang mới: một bộ
quân phục vải Tô Châu, xanh-tuya, bi-đông có ca, túi bơi… rồi đi lấy gạo,
nhận vũ khí. Nhìn những khấu AK kiểu mới (sản xuất năm 1971) sao tôi
thích thế: sơn xì đen bóng, thơm phức, đầu nòng trông như bị mẻ, không 1