cơm, một tổ mang nồi, một tổ đi lĩnh thực phẩm. Tất cả nhất trí, tôi nhân đà
chỉ định luôn Phái con và Thành ma-tịt hôm sau đi lĩnh thực phẩm, vì các
cậu này vốn rất lười. Hai cậu cứng lưỡi, đành phải phục tùng. Nhà Tổ 1 ở
mới có tang, bàn thờ còn phủ sô trắng với đôi câu đối rất ai oán. Mấy cậu
Tổ 1 thấy rờn rợn, cứ gạ tôi xin sang nhà lá ở.
Khoảng 3 rưỡi chiều chúng tôi ra đường cái đợi xe. Các ông xe thồ
mang dừa, chanh đến bán cho chúng tôi với giá cắt cổ. Chợt gặp mấy chiếc
xe chở lính bị thương từ chiến trường ra. Gặp nhau reo hò. Thấy mấy cậu
chạy theo xe để gửi thư, tôi cũng chạy và dúi thư vào tay một anh ngồi ở
góc thùng. Hầu như đến trạm nghỉ nào tôi cũng viết thư về nhà.
Mưa lâm thâm, chờ sốt cả ruột mới thấy xe tới. Lại vẫn cảnh ngồi như
lèn cá mòi trong thùng xe. Đường trơn, xe đi rất chậm. Bầu trời xám xịt.
Những chiếc xe 3 cầu đầy lính nặng nề phun bùn loãng sang 2 bên đường.
Không hiểu đây là Đường 15 hay Đường 22? Thật là những con đường
gian khổ, hết lên dốc lại xuống đèo. Suốt đêm, xe đi rất thận trọng. Chúng
tôi sửng sốt khi thấy trời đã sáng. Hình như đây là dốc Bò Lăn thì phải, vì
hai bên đường thấy nhiều xe lật nghiêng ngả. Đã 6 giờ sáng, chúng tôi đành
rẽ vào những cánh rừng cao-su gần đấy, giấu xe chờ đến tối.
Lần đầu tiên tôi vào rừng cao-su và nhìn thấy cây cao-su. Tôi ngạc
nhiên vì đó là một khu rừng rất sạch sẽ; cây cao-su to bằng thân người,
trồng rất thẳng hàng, cách nhau đều đặn. Mặt đất rất sạch, không hề có một
ngọn cỏ. Lá cao-su trông như lá sắn, nhưng to hơn và một bản chỉ có 3
phiến lá như 3 ngón tay; ngắt lá là nhựa trắng chảy ra ngay. Thân mỗi cây
đều có vết khía như rắn cuốn, ở cuối vết khía gần gốc có gắn cái bát đựng
nhựa. Quả là khu rừng đóng quân lý tưởng, mắc võng thuận tiện, củi tốt và
dễ kiếm…Chỉ gay nếu bị đánh bom cháy thôi. Buổi sáng, máy bay địch
cũng rà qua mấy lần, bay rất thấp. Buổi chiều trời mù nên chúng tôi khởi
hành sớm. Hai bên con đường đất đỏ là những nông trường cà-phê và chè
bát ngát. Trời bắt đầu mưa. Nhìn chiếc xe đằng trước tôi mới hình dung