đại đội đủ (140 người) mà khi ra chả còn bao nhiêu. Tuy nhiên, mỗi người,
dù là người trực tiếp tham gia, cũng không thể hiểu hết cục diện chiến tranh
và không thể đo đếm giá của chiến tranh bằng cái giá thông thường.Thấy
nói hồi đó ta đang đàm phán trên bàn Hội nghị Paris, việc giữ vững Thành
cổ và tiếng súng ở chiến trường có một tiếng nói rất quan trọng.
Sau khi củng cố lại đội hình, chúng tôi được lệnh hành quân về hướng
tây bắc. Lại qua những địa danh quen thuộc: Ái Tử, Đông Hà, Cam Lộ….
Những lúc nghỉ giải lao, đoàn quân xôn xao bàn luận: “Đơn vị bị thiệt hại
nặng như vầy, chắc đợt này sẽ được rút ra Bắc nghỉ ngơi, bổ sung quân
số…”. Nếu được thế thì mừng quá. Mấy đứa Hà Nội chúng tôi đã mơ có
thể được về phép vài ngày, vì Hậu cứ của Trung đoàn là ở vùng Nông
Cống/ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Từ đó về Hà Nội chả mấy ngày đường. Lê
được tấm thân tàn này về gõ cửa nhà, chắc bà và mẹ ngạc nhiên lắm…
Nhưng chúng tôi đã nhầm. Đơn vị chỉ rút ra vùng chân điểm cao 241
thì dừng lại. Vẫn mưa rả rích suốt ngày. Cả buổi chúng tôi lội dọc một con
suối nhỏ, nước đục ngầu, ngập ngang bụng. Hai bên bờ mọc đầy những cây
mâm xôi và sâm đất. Lá những loại cây này đem nấu trà uống rất thơm và
bổ. Cả lũ đã mệt phờ, ướt như chuột lột, thì được lệnh tản ra tìm chỗ nghỉ.
Chúng tôi mắc võng trong một cánh rừng thưa, xung quanh là những đồi cỏ
tranh bao bọc. Anh Thiệu đi ngoại giao ở đâu về được một gói ruốc thịt,
chia cho mỗi đứa một ít. Anh kể gần đó có một đoàn tân binh đóng, anh
đến làm quen, và gặp bất cứ ai cũng nhận đồng hương. Lúc thì anh quê ở
Hải Hưng, lúc thì Thái Bình, lúc lại Thanh Hóa… Kết quả là anh kiếm
được cũng kha khá. Tân binh mới vào còn “giàu có” lắm. Họ sẵn lòng chia
sẻ với người cựu binh đồng hương vài thìa mì chính, ít ruốc bông, phong
lương khô hoặc gói thuốc lào….
Đơn vị nhận tân binh bổ sung ngay tại đây. Chủ yếu là lính Hà Nội,
Thái Bình và Hải Phòng. Tiểu đội tôi có 4 người. Tôi làm Tiểu đội trưởng.
Quang “Bạch mai” (Quang “xỉu”) Tiểu đội phó. Hai chiến sĩ là Chính con