Mùa xuân Ả Rập là một trường hợp cực đoan của quy luật – các cuộc
khủng hoảng lớn sẽ luôn luôn cho ra đời những nhà cải cách mới quan trọng,
mặc dù không phải tất cả đều sẽ duy trì được cải cách. Như giáo sư của Đại
học George Mason Jack Goldstone đã lập luận trong một bài viết năm 2011
cho tờ Ngoại giao, các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập nhắm vào một mục
tiêu cụ thể, những “sultan” thối nát mà, khác với các nhà quân chủ đối địch,
thiếu bất kỳ tính chính danh nào và cai trị hoàn toàn bởi sự sợ hãi và sủng ái
thân hữu. Chế độ độc tài vận hành bởi những Mubarak ở Ai Cập hoặc những
Assad ở Syria và những Ben Ali ở Tunisia đều theo kiểu “chính thể sultan”,
bao gồm cả Ceausescu ở Rumani, Duvalier ở Haiti, Marcos ở Philippines và
Suharto ở Indonesia. Giới độc tài cha truyền con nối theo dạng tiếm quyền
này bị căm ghét, và chính thể của họ thường để lại một khoảng rỗng quyền
lực khi sụp đổ. Kết cục hỗn loạn này có thể làm chậm sự hình thành chế độ
mới ổn định đến nửa thập kỷ – hoặc lâu hơn nếu nội chiến bùng nổ, theo lập
luận của Goldstone. Do đó, việc Tunisia chuyển sang một chính phủ mới
tương đối ổn định được xem là nhanh một cách bất thường. Những nước còn
lại của thế giới Ả Rập đang đi theo mô thức bình thường và thực tế có thể
cần hơn nửa thập kỷ nữa để bắt đầu chỉnh đốn lại cơ cấu xã hội.
Ai cũng thấu hiểu các bước của chu trình sinh tồn. Việc khủng hoảng
và nổi dậy có thể buộc ngay cả giới tinh hoa phải miễn cưỡng cải cách là
điều rõ ràng lâu nay, ít nhất từ những bình luận xa xưa của Marx, người cho
rằng xã hội tư bản sẽ sụp đổ trong một loạt các nỗ lực ngày càng hung bạo
để bảo vệ tầng lớp thượng lưu. Thay vào đó, trước những cuộc suy thoái
kinh tế cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo chính trị đã chứng
tỏ khả năng cải cách chủ nghĩa tư bản tự do, ứng phó với sự nổi loạn của
công chúng bằng cách lập ra nhà nước phúc lợi, bắt đầu từ Đức và Anh. Mối
liên hệ giữa sự bùng nổ tăng trưởng và sự tự mãn về chính trị đã được nêu
rất rõ, chẳng hạn, trong trường hợp nước Nhật hiện đại và châu Âu, những
nơi thường được mô tả là quá sung túc để có thể thúc đẩy cải cách mạnh mẽ.
Điều ít được nhìn nhận rõ là thậm chí trong những giai đoạn bình lặng hơn,
chu trình sinh tồn vẫn xoay chuyển, liên tục định hình và tái định hình các
nền kinh tế theo chiều hướng tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn.