Trong khắp thế giới mới nổi, các ngân hàng nhà nước là một trở ngại
lớn để hệ thống tín dụng hoạt động trơn tru. Trong bối cảnh khủng hoảng tài
chính toàn cầu, các gói kích thích kinh tế từ chính phủ ở các nước mới nổi lẽ
ra đạt tổng trị giá lớn hơn số liệu được trích dẫn trên đây – gần 7% của GDP
– nếu tính gộp tất cả các động thái bí mật mà chính phủ sử dụng hầu thao
túng sự tăng trưởng, gồm các khoản cho vay lớn của các ngân hàng nhà
nước.
Bất chấp nhiều đợt cải cách thị trường tự do ở các nền kinh tế mới nổi
trong những thập kỷ gần đây, nhà nước vẫn điều hành một lượng lớn ngân
hàng tại nhiều quốc gia. Nếu muốn vay, hãy hỏi chính phủ. Tính trung bình,
các ngân hàng nhà nước nắm 32% toàn bộ tài sản ngân hàng ở 20 quốc gia
mới nổi lớn nhất. Con số này là 40% hoặc hơn ở Thái Lan, Indonesia, Brazil
và Trung Quốc (nơi ranh giới giữa các ngân hàng nhà nước và tư nhân
thường tù mù và con số thực tế có thể cao hơn nhiều). Mức này là 50% hoặc
hơn ở Đài Loan, Hungary, Nga và Malaysia và lên đến mức ấn tượng 75% ở
Ấn Độ. Ở Nga, 20 năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư
bản vẫn còn bị cản trở ở chỗ khó mà vay được thậm chí một khoản để mở
một doanh nghiệp nhỏ hoặc mua nhà, gần một phần ba ngành tín dụng thiếu
máu này nằm trong tay một ngân hàng duy nhất, mà chính nó lại được điều
hành bởi ngân hàng trung ương của Nga.
Nếu dành nhiều thời gian trong lĩnh vực này, ta sẽ có ngay bằng chứng
rằng nhà nước không phải là một tay chủ ngân hàng giỏi. Ngay cả ở Chile,
các quốc gia Mỹ Latin gắn kết chặt nhất với chủ nghĩa tư bản của khối tư
nhân, tôi luôn ấn tượng với con số nhân viên tại văn phòng của các ngân
hàng nhà nước còn lại hiện nay, những người dường như đi đi lại lại không
mục đích, ăn lương nhưng thiếu việc. Luôn có dư người để nối nhau hộ tống
khách nhiều chặng từ cửa đến quầy, từ quầy lên các tầng lầu, từ các tầng lầu
vào phòng của quản lý. Phải mất nửa giờ mới đi qua hết các khâu đầy những
công bộc này, một phần do họ quá đông.
Nỗ lực của các ngân hàng nhà nước để huy động cho vay thường có xu
hướng phản tác dụng thật đáng lo ngại, làm tệ thêm đà suy thoái kinh tế.