vững chắc nhất trong lịch sử sẽ càng cao. Các mô thức bùng nổ tăng trưởng
và sụp đổ được mô tả trong sách này đều dựa trên nghiên cứu của riêng tôi,
gồm cơ sở dữ liệu của 56 nền kinh tế mới nổi sau chiến tranh đã chèo chống
để duy trì tỷ lệ tăng trưởng 6% trong ít nhất một thập kỷ.
Thói quen dựa vào khởi điểm được chọn sai và không khả thi còn bị
trầm trọng hóa bởi hiện tượng “củng cố thiên lệch”, tức xu hướng thu thập
chỉ dữ liệu nào giúp xác nhận niềm tin hiện tại của chính mình. Trong suốt
thời kỳ lạc quan dễ dãi của những năm 2000, người ta đã củng cố thiên lệch
rất nhiều về cơn cuồng BRICS, thế mà trong hầu hết các thời kỳ, xu hướng
tư duy trí tuệ phổ biến vẫn theo hướng bi quan. Chắc chắn rủi ro ngày nay
còn lớn hơn, khi khó mà thuyết phục mọi người rằng một quốc gia nào đó có
cơ hội vươn lên, do tình hình gian nan chung trên toàn cầu. Trong bất kỳ giai
đoạn nào, câu hỏi cần đặt ra không phải là câu hỏi điển hình: Thế giới sẽ ra
sao nếu các xu hướng hiện tại cứ duy trì? Mà phải là: Điều gì sẽ xảy ra nếu
mô thức thông thường vẫn đúng và các chu kỳ tiếp tục đảo chiều mỗi 5 năm
hoặc đại loại? Nói cách khác, các quy luật đều là trò chơi xác suất, dựa trên
các mô thức có tính chu kỳ của một thế giới vô thường.
Với các nhà phê bình nào cho rằng viễn cảnh 5 đến 10 năm phản ánh
một thế giới quan kiểu Phố Wall hẹp và ngắn hạn, hãy gượm đã. Các chương
sách này sẽ cho thấy những cuộc tăng trưởng dài hạn tồn tại được là do các
nhà lãnh đạo đã tránh những sự thái quá, vốn gây ra bong bóng tín dụng và
đầu tư, khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng, và lạm phát phi mã – các thể loại
đổ vỡ giúp kết liễu những phép mầu kinh tế. Các quy luật này cũng chính là
định hướng nghiêm ngặt để có sự thành công kinh tế dài hạn.
Ở các nước như Brazil và Ấn Độ, người ta thường nghe thấy lập luận
cho rằng nếu chính phủ tập trung quá hẹp vào tăng trưởng kinh tế thì y tế,
giáo dục và các chỉ số phát triển con người khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng đây là một ý niệm sai lầm. Các quốc gia có mức thu nhập bình quân
đầu người thấp nhất cũng thường có thành tích tệ hại nhất về phát triển con
người. Mỗi năm, Liên Hiệp Quốc đều công bố Chỉ số Phát triển Con người
(HDI) để xếp hạng các quốc gia theo các thông số giáo dục như số năm đi