Các ngôi sao kế tiếp thường trỗi dậy trong số những nước đã rời khỏi
tầm ngắm của giới truyền thông – hoặc chưa bao giờ lọt vào đó. Họ bắt đầu
phát triển mạnh – hoặc lấy lại đà – khi được yên thân để chỉnh đốn lại ngôi
nhà kinh tế mình, và chỉ sau khi họ đạt được nhiều năm tăng trưởng mạnh
thì giới truyền thông mới phát hiện ra họ. Đến lúc ấy, đà tăng trưởng có thể
đã gần cạn kiệt. Quy luật cơ bản: sự ái mộ của giới truyền thông toàn cầu là
một dấu hiệu nguy hại cho bất kỳ nền kinh tế nào, và sự lãnh đạm của họ là
một dấu hiệu tốt.
Sử yếu về cơn sốt truyền thông của thế giới mới nổi
Cơn sốt truyền thông về các nền kinh tế nóng sắp diễn ra đã tỏ ra luôn
luôn sai. Trong những năm đầu thế kỷ 20, những người quan tâm đến cuộc
cạnh tranh kinh tế toàn cầu hiếm hoi hơn hiện nay, nhưng họ chú tâm vào
tương lai tươi sáng của châu Mỹ Latin và nhất là Argentina, nước đã đạt
được mức thu nhập của thế giới thứ nhất bằng cách tận dụng một phát minh
mới của Anh – tàu đông lạnh hơi nước – để xuất khẩu thịt bò và các loại
nông sản ra thế giới. Argentina vẫn là một trong những nền kinh tế giàu nhất
thế giới vào những năm 1950, nhưng đã không hiện đại hóa được dưới sự
cai trị dân túy tồi tệ của Juan Perón, và cơn sốt truyền thông lại chuyển sang
Venezuela, nước sẽ khai thác nguồn dầu mỏ đồ sộ của mình trong các thập
kỷ tiếp theo để trở thành một thành viên đồng sáng lập cartel OPEC cùng
với Ả Rập Saudi. Khi giá dầu tăng vọt vào những năm 1970, Venezuela đã
đạt được mức thu nhập gần bằng Mỹ và được coi là tương lai của Mỹ Latin:
một nền dân chủ tư bản chủ nghĩa trỗi dậy trên một lục địa mà các nhà độc
tài đang tiếp quản Argentina, Brazil và sau đó Chile.
Các học giả của những năm 1950 và 1960 rất ít quan tâm đến châu Á,
và khi quan tâm họ lại tán dương triển vọng của Philippines và Miến Điện,
cả hai nước đều giàu kim loại, đá quý và các nguồn tài nguyên thiên nhiên
khác. Họ thương xót cho Trung Quốc và Ấn Độ, và đến giữa những năm
1960 nhiều nhà kinh tế đã chối bỏ Đài Loan như một “trường hợp vô vọng”
không có tài nguyên thiên nhiên, thiếu vốn, với một chính phủ tham nhũng
và mất uy tín đang cai trị một dân số đa phần mù chữ.
Thế giới nhìn thấy ở