trong vòng bảy năm sau đó. Không có cụm từ cửa miệng nào mô tả những gì
đã xảy ra ở Ireland, nhưng ta có thể gọi đó là một cái bẫy thịnh vượng.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, các đợt suy trầm có thể đủ nghiêm
trọng để kéo các nước mới giàu trở lại hàng ngũ thu nhập trung bình, như đã
xảy ra ít nhất ba lần trong một thế kỷ qua.
Venezuela đã có cuộc hành trình khứ hồi đi từ nhóm trung bình lên
nhóm giàu có và quay trở lại trong vòng một trăm năm qua. Cùng lúc, thu
nhập bình quân của Argentina đã giảm từ mức bằng 65% của Mỹ vào 1930
xuống dưới 20% vào 2010. Trường hợp gần đây nhất là Hy Lạp, nước bị
giáng xuống nhóm thị trường mới nổi khi nền tài chính rơi vào tình trạng
hỗn loạn sau 2010, và thu nhập bình quân đầu người tụt từ ngay bên trên
xuống rất thấp dưới ngưỡng 25.000 đô-la, một cú tụt hạng nghiêm trọng từ
vị thế thị trường phát triển. Sự sa sút của Hy Lạp là do khủng hoảng tài
chính kéo dài, một nguyên nhân phổ biến đối với loại hình sa sút dạng này.
Trong bất kỳ thập kỷ nào, các quốc gia ở nhóm trung bình rơi xuống
mức thu nhập thấp luôn nhiều hơn các nước thăng tiến lên cao hơn. Kể từ
cuối những năm 1940, nhiều quốc gia đã đi xuống theo dạng này, gồm
Philippines vào những năm 1950 và Nga, Nam Phi và Iran trong những năm
1980 và ‘90. Nghiên cứu vào 2012 của Ngân hàng Thế giới tìm thấy chỉ 13
ví dụ về các nền kinh tế hậu chiến vượt ngưỡng để lọt vào nhóm thu nhập
cao nhưng lại quan sát thấy 31 nước rơi từ nhóm trung bình xuống nhóm có
thu nhập thấp. Con số này bao gồm những nền kinh tế khét tiếng thất bại
cũng như các nước bị chiến tranh tàn phá như Iraq, Afghanistan và Haiti.
Nói theo cách của các nhà kinh tế, sự tăng trưởng mạnh mẽ tỏ ra ít
“bền”. Nhà kinh tế thuộc Đại học New York William Easterly và các đồng
nghiệp đã xác lập cứ liệu này hơn 20 năm trước, và kể từ đó nó đã được tái
khẳng định nhiều lần – nhưng hầu như luôn luôn theo nghĩa tiêu cực.
Summers và Pritchett, chẳng hạn, đã phân tích tất cả 28 quốc gia mà, kể từ
1950, đã có những giai đoạn “tăng trưởng siêu thần tốc”, tức có tỷ lệ tăng
trưởng GDP bình quân đầu người hằng năm đạt 6% trong ít nhất tám năm.
Họ thấy những cuộc bùng nổ này thường “thọ cực kỳ ngắn”, suy tàn trung