nhà nước hàng đầu, và thúc đẩy cải cách để đảm bảo cuộc khủng hoảng
tương tự không tái diễn.
Tiến trình thanh lọc này có thể mất nhiều năm, tùy vào quy mô của
cuộc khủng hoảng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chẳng hạn,
những dấu hiệu đầu tiên của rắc rối nợ bắt đầu xuất hiện ở Thái Lan vào
1996, và đến mùa hè năm sau đó cuộc khủng hoảng đã bùng hết cỡ. Một số
nhà đầu tư toàn cầu lớn đã nhảy vào và mua chứng khoán Thái Lan vào mùa
hè 1997, theo lời khuyên được đưa ra trước tiên bởi Baron de Rothschild
vào những năm 1870 và nhắc lại nhiều lần về sau bởi những người khác:
Thời điểm tốt nhất để mua là “khi máu đổ trên đường” và giá được cho rằng
đang ở đáy. Vấn đề phát sinh khi quốc gia đang đổ máu cứ ở vị thế ấy suốt
một thời gian, như trường hợp châu Á sau 1997, khi cuộc khủng hoảng lan
sang các quốc gia mới nổi khác và đẩy thị trường chứng khoán Thái Lan
xuống thêm 70% nữa. Nhiều nhà đầu tư đầu cơ vào Thái Lan trong mùa hè
1997 rốt cục lỗ nặng.
Các nền kinh tế có nhiều cơ may chuyển biến tốt đẹp hơn không phải
trong thời gian bị ghét bỏ mà khi phương tiện truyền thông đã chuyển sang
câu chuyện tiếp theo, bỏ mặc đất nước bị khủng hoảng thu dọn hậu quả. Đến
đầu thiên niên kỷ mới, giới truyền thông toàn cầu đã lãng quên từ lâu các
quốc gia ngã ngựa trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, thay vì thế
chuyển sang tập trung vào các điểm nóng mới, như các nước đang hưởng lợi
từ cuộc bùng nổ công nghệ cao. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo mới đã lên
ngôi ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, và nhiều nước Đông Nam Á bắt đầu
triển khai giai đoạn phục hồi bằng xuất khẩu với sự tiếp sức của các đồng
tiền giá rẻ. Các nhà lãnh đạo mới này đã cân đối lại tài khoản vãng lai và
kiểm soát nợ, nhưng trong nhiều năm sau cuộc gián đoạn năm 1997 và 1998,
vẫn khó để giới truyền thông nhìn các nước bị khủng hoảng bằng con mắt
khác thay vì những quốc gia gặp rắc rối. Năm 2000, Time đã chạy bìa một vị
Tổng thống Indonesia bị đả kích khắp nơi vì ngủ thiếp trong cuộc họp, với
tiêu đề “Tai ương Wahid”, để rồi sau đó tỷ lệ tăng trưởng của Indonesia đã
tăng từ gần bằng không lên gần 5%, khi đất nước này giải tỏa xong mớ hỗn
độn trong ngành ngân hàng và đồng tiền giá rẻ đã thúc đẩy xuất khẩu.