Chương 2
Chu trình sinh tồn
Liệu quốc gia ấy có sẵn sàng ủng hộ một nhà cải cách?
Giờ đây ngẫm lại, có lẽ tôi đã hiểu lời mời “góp ý thẳng thắn” về tương
lai của nước Nga một cách quá thẳng thừng. Hồi tháng 10-2010, một ngân
hàng lớn của Nga gọi đến nói rằng Văn phòng Thủ tướng mời tôi đến diễn
thuyết về chủ đề ấy trong một hội nghị sắp diễn ra tại Trung tâm Thương
mại Thế giới ở Moscow. Tôi đến nơi thì thấy cử tọa đông đúc trong hội
trường lớn, và Vladimir Putin đang ngồi trên bục cùng với các vị chức sắc
khác, gồm cả Bộ trưởng Tài chính Pháp khi ấy Christine Lagarde. Khi đến
lượt mình trình bày, tôi đã cố gắng nói bộc trực, thuật lại tình hình, khi Putin
nhậm chức Tổng thống vào năm 2000, đất nước này vẫn còn bị tổn thương
bởi nhiều cuộc khủng hoảng cuối những năm 1990 ra sao. Các cải cách tích
cực của Putin, gồm cả mức thuế thu nhập đồng bộ 13%, đã giúp mở ra một
kỷ nguyên thanh bình mà thu nhập bình quân của người Nga đã tăng hơn
gấp năm lần từ 2.000 đô-la lên 12.000 đô-la. Thế rồi tôi quay trở về hiện tại
và tương lai và nói rằng tình hình không sáng sủa, trong khi Lagarde liếc tôi.
Những thách thức để tạo ra tăng trưởng kinh tế đã thay đổi khi giờ đây Nga
là một quốc gia trung bình. Nền kinh tế Nga đang mất đà chủ yếu vì thất bại
trong việc đa dạng hóa để thoát khỏi dầu mỏ và khí đốt, và không thể dựa
vào vận may mãi với giá dầu cao – yếu tố đã bơm 1,5 ngàn tỷ đô-la vào nền
kinh tế trong suốt thập kỷ trước đó. Tôi lưu ý rằng người xưa có nói, nước
giàu thì làm những món đắt tiền, và trong khi Nga cần những ngành công
nghiệp mới đầy hứa hẹn, nước này thực chất có ít doanh nghiệp nhỏ và vừa
so với hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khác.
Trong khi tiếp tục nói, tôi nhận thấy Putin có vẻ nghiêm nghị và ghi
chép, và tôi thấy hãnh diện rằng có lẽ ông đã tìm thấy gì đó hữu ích trong lời