Mahathir Mohamad dẫn dắt suốt 20 năm một phép mầu tương tự, nhưng
năm 2003, một cuộc nổi dậy trong đảng của ông đã khiến ông bị lật đổ.
Ngay trong khi Bush và tôi nói chuyện, tiến trình suy hoại này cũng diễn ra
ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang đi từ cải cách
thực dụng sang chủ nghĩa dân tộc dân túy và bị dân chúng chỉ trích là “Putin
mới”.
Mặc dù Putin là một trường hợp cực đoan, con đường tiến hóa của ông
đã diễn ra theo chu trình tự nhiên của đời sống chính trị, khi khủng hoảng
buộc quốc gia phải cải cách, cải cách dẫn đến sự tăng trưởng và thời kỳ vàng
son, rồi thời kỳ vàng son tạo điều kiện cho sự kiêu ngạo và tự mãn để rồi
dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Putin đã lắng
nghe những cố vấn có đầu óc cải cách như Bộ trưởng Kinh tế Đức Gref và
Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, thúc đẩy cải cách thuế cũng như nỗ lực
tiết kiệm lợi nhuận từ dầu mỏ trời cho để đầu tư vào ngành mới.
Thời kỳ vàng son quả thực rất tươi sáng – nền kinh tế Nga tăng gần gấp
đôi về quy mô từ 2000 đến 2010 – nhưng điều đó gây ra cảm giác tự mãn
trong dân Nga và khiến nhà lãnh đạo của họ trở nên hết sức kiêu ngạo. Say
sưa với mức ủng hộ cao ngất trời, Putin đã ngừng thúc đẩy cải cách và tập
trung vào việc củng cố vị thế quyền lực của mình. Năm 2011 ông đã để
Kudrin ra đi, và cùng năm đó nền kinh tế Nga sụt giảm mạnh. Thật quá đơn
giản để nói những biến cố này có quan hệ nhân quả, nhưng việc chấm dứt
cải cách là một lý do gây ra sự trì trệ sâu sắc và dai dẳng trong nền kinh tế
Nga.
Câu hỏi thiết yếu cần đặt ra về tác động của chính trị đối với triển vọng
của bất kỳ nền kinh tế nào là: Liệu quốc gia ấy có sẵn sàng ủng hộ một nhà
cải cách? Để trả lời, trước tiên phải tìm ra vị trí của quốc gia ấy trong chu
trình sinh tồn. Các quốc gia có nhiều cơ may thay đổi theo hướng tốt đẹp
hơn khi đang vật lộn để phục hồi từ khủng hoảng. Khi một quốc gia bị dồn
vào chân tường là lúc có nhiều xác suất nhất công chúng và giới tinh hoa
chính trị sẽ chấp nhận một cuộc cải cách kinh tế quyết liệt. Ở cực kia của
chu trình, các quốc gia có nhiều xác suất trở nên tệ hại trong thời kỳ bùng nổ