trưởng, hãm đà tiến của một quốc gia. Trong thực tế, nhiều nước đã tụt lùi
liên tục. Mức tăng thu nhập bình quân của Nga tăng gấp năm lần từ 2000
đến 2010 quả là ấn tượng, nhưng mức tăng ấy chỉ trả thu nhập bình quân về
lại mức 1990, trước khi suy sụp trong cuộc khủng hoảng ngân hàng của
những năm 1990. Ngày nay đà sa sút đã quay trở lại. Năm 2014, khi một
cuộc khủng hoảng mới đánh vào nước Nga của Putin theo sau sự sụp đổ giá
dầu, mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này lại giảm, từ đỉnh
điểm ở mức 12.000 đô-la hồi 2008 xuống 8.000 đô-la.
Cách vận hành của chu trình sinh tồn là như vậy, đi từ tro tàn của cuộc
khủng hoảng này đến tro tàn của cuộc tiếp theo. Những lúc khó khăn, các
nhà lãnh đạo đổ lỗi cho thế lực nước ngoài và các lực lượng khác ngoài tầm
kiểm soát của họ. Những lúc tươi đẹp, họ nhanh nhẩu kể công. Thậm chí
nếu các lợi ích kinh tế được tạo ra một phần bởi các tác động trên toàn cầu –
như giá dầu thế giới tăng cao đã thúc đẩy tăng trưởng ở các nước dầu mỏ
như Nga sau 1998 – các nhà lãnh đạo chính trị có khuynh hướng xem sự
tăng trưởng mạnh mẽ này như lời xác nhận về hiệu quả lãnh đạo của họ. Họ
cùng với thuộc cấp đi đến chỗ giả định rằng, dưới sự lãnh đạo tài ba như thế,
nền kinh tế ắt sẽ thành công. Chính quyền Đảng Quốc đại của ông
Manmohan Singh, người đã dẫn dắt Ấn Độ suốt phần lớn những năm 2000,
đã tin vào luận điệu thổi phồng rằng đất nước họ đã vượt lên hẳn các quốc
gia mới nổi khác. Nhiều cử tri cũng tin điều đó. Các cuộc bàn luận của quốc
gia chuyển từ đề tài các cải cách cần thiết để giữ mức tăng trưởng mạnh mẽ
sang chủ đề làm thế nào để chi tiêu phần của cải mà người Ấn dự trù sẽ tiếp
tục tuôn chảy vô tận từ một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ hằng năm
8-9%. Sự chuyển dịch đó là một điềm báo rõ ràng về sự sụt giảm mạnh mức
tăng trưởng trong những năm 2010.
Những thành công thi thoảng và thất bại thường xuyên của các nhà lãnh
đạo chính trị là trọng tâm trong sự thăng trầm của các quốc gia, và chu trình
sinh tồn đưa ra một vài định hướng để nhận diện những nước nào sắp bước
vào một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, và nước nào sắp rơi ra khỏi bản
đồ tăng trưởng.