những nỗ lực của họ luôn phải đối mặt với vô số thách thức, từ các lợi ích đã
ăn sâu trong nước cho đến những cơn gió ngược trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi có vài quy luật về loại
nhà lãnh đạo có nhiều khả năng biến sự ủng hộ cải cách của đại chúng thành
một chương trình cải cách khả thi. Nói vắn tắt, xác suất cải cách thành công
và bền vững sẽ cao hơn ở các nhà lãnh đạo mới so với các nhà lãnh đạo cũ,
ở các nhà lãnh đạo có nền tảng đại chúng so với các nhà kỹ trị danh tiếng, và
ở các nhà lãnh đạo dân chủ so với những tay chuyên quyền. Mặc dù sự bùng
nổ tăng trưởng của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã tích cực góp phần
đánh bóng danh tiếng của một hình thức lãnh đạo kinh tế kỹ trị và chuyên
quyền, bằng chứng từ các nước khác không cho thấy điều đó.
Các nhà lãnh đạo mới
Tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng nói, “Nhà lãnh đạo tài ba xuất
hiện khi có sự hội ngộ của ý chí và một thời khắc lịch sử đặc biệt”, và đây là
cơ chế cơ bản khiến các cuộc khủng hoảng gắn liền với những nhà cải cách
mới đầy hứa hẹn. Khủng hoảng càng lớn, cú sốc với đại chúng càng mạnh,
thì người ta càng nhiệt thành ủng hộ một nhà lãnh đạo mới, dù sự cải cách sẽ
phá vỡ trật tự cũ.
Cú sốc lớn đầu tiên đối với sự thịnh vượng hậu chiến xảy ra vào 1970,
khi phần lớn thế giới cảm thấy vắng bóng thủ lĩnh trước cuộc đình lạm –
tình trạng tăng trưởng kinh tế đình đốn đi kèm với lạm phát cao, nổ ra bởi
một phức hợp nhiều lực tác động bao gồm cả nạn chi tiêu quá đà của nhà
nước phúc lợi và giá dầu tăng vọt bởi tác động của cartel OPEC và các quốc
gia dầu mỏ. Ở nhiều quốc gia, cảm giác xứ sở của họ sắp sụp đổ đã khiến
người ta chấp nhận ý tưởng phải thay đổi triệt để và dẫn đến sự trỗi dậy của
các nhà cải cách tiên phong về thị trường tự do: Margaret Thatcher ở Anh,
Ronald Reagan ở Mỹ và Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc. Như thường thấy
trong thời khủng hoảng, triển vọng của các nhà lãnh đạo này thường bị thời
cuộc u ám che phủ; ban đầu nhiều nhà quan sát để Reagan ở ngoài tai bởi
ông chỉ là một cựu diễn viên, Thatcher là con của một người bán tạp phẩm,
và Đặng là một thành viên mờ nhạt của tập thể lãnh đạo Trung Quốc. Trung