chiếc xe là điều không cưỡng lại được. Cô Steadman, người vẫn tiếp tục
phụ đạo cho cậu, nhiều đêm tới rất khuya, có vẻ sung sướng khi thấy cậu
phải cố gắng gấp đôi.
Khi Keith trở lại trường dự thi hết cấp, cậu cảm thấy đã sẵn sàng để đối
mặt với cả giám khảo lẫn ông hiệu trưởng: Số tiền quyên góp đến nay chỉ
còn thiếu vài trăm bảng nữa là đạt mục tiêu năm ngàn. Keith dự định sẽ
dùng số báo cuối cùng để thông báo thắng lợi. Cậu hy vọng việc này sẽ làm
ông hiệu trưởng khó có thể làm gì về một bài báo mà cậu sẽ đăng trong số
báo tới, kêu gọi xóa bỏ chế độ quân chủ.
“Nước Úc không cần một gia đình thượng lưu sống cách xa hàng ngàn
dặm thống trị. Làm sao chúng ta bước qua nửa sau của thế kỷ XX mà vẫn
còn giữ hệ thống đó? Hãy rũ bỏ tất cả bọn họ, cùng quốc ca, cờ Anh và
đồng Bảng”, bài báo kêu gọi. “Một khi chiến tranh kết thúc, chắc chắn sẽ
đến lúc Úc tuyên bố mình là nước cộng hoà”.
Ông Jessop vẫn im lặng, trong khi tờ Melbourne Age trả Keith 50 bảng
để đăng lại bài đó, mà phải suy nghĩ mãi cậu mới có thể từ chối. Alexander
Ducan nói toạc ra rằng một người rất gần gũi với ông hiệu trưởng đã bảo
với cậu ta rằng sẽ rất ngạc nhiên nếu Keith Townsend còn trụ được đến
cuối học kỳ.
Trong mấy tuần đầu của học kỳ cuối cùng, Keith dành phần lớn thời
gian học bài, chỉ thỉnh thoảng mới gặp Betsy, và cứ thứ Tư của tuần lễ lẻ là
đến trường đua trong khi những học sinh khác dùng thời gian đó làm những
việc tốn nhiều sinh lực hơn.
Vào cái ngày thứ Tư đặc biệt ấy, lẽ ra Keith đã không đến trường đua
nếu như không có một người trông chuồng ngựa cho biết một điều chắc
chắn. Keith cẩn thận kiểm tra tài chính của mình. Cậu vẫn còn dành dụm
được một chút do làm việc trong ngày nghỉ, cộng thêm số tiền tiêu vặt mẹ
cho. Cậu quyết định chỉ đặt cược trong cuộc đua đầu tiên, và nếu thắng sẽ
trở về trường tiếp tục ôn bài và tự hứa sẽ vào thăm Betsy trên đường về
trường.
“Điều chắc chắn” đó là con ngựa có tên Rum Punch, sẽ bắt đầu đua vào
lúc hai giờ. Người nói với cậu có vẻ rất tin vào con ngựa của mình, đến nỗi