tụy với cha mình. Đến một lúc thích hợp, Người có ý định tổ chức một lễ tế
thần rất quan trọng, gọi là “Lễ Ngựa”.
Để chuẩn bị cho buổi lễ này, người ta thả một con ngựa lộng lẫy, yên
cương đầy đủ và trang hoàng rực rỡ, cho nó được tự do theo ý muốn chạy
qua biên giới rất nhiều vương quốc, và nước nào để cho ngựa chạy qua thì
coi như đã chịu thần phục người chủ ngựa. Nhưng nếu ở nơi nào đó người
dám bắt con ngựa lại, cử chỉ đó sẽ được coi như một lời thách thức và sẽ
gây ra chiến tranh; người chủ con ngựa sẽ đánh cái quốc gia nơi con ngựa
bị bắt rồi lại thả nó ra lần nữa, rồi lại lần nữa, lần nữa mãi cho đến khi nó đi
thông được hết và quay trở về nhà. Thế là tất cả những nước con ngựa đã đi
qua đều trở thành chư hầu của nhà vua, và nhà vua mừng chiến thắng đó
bằng cách tổ chức “Lễ Ngựa” lớn lao này, nó đưa ông lên địa vị chúa tể tối
cao của cõi trần. Những người hưởng ứng một kế hoạch như vậy đều tin
chắc ở thắng lợi và có thể đương nhiên nghĩ đến việc mở rộng đất đai và
thách thức đến cả chính Indra nữa. Do đó mà Indra và tất cả các vị thần đều
hết sức cảnh giác và bực mình mỗi khi thấy có một lễ tế thần đang được
chuẩn bị và tìm đủ mọi cách làm cho nó thất bại.
Khi con ngựa của Xakara sắp sửa ra đi thì Indra chặn lại, và giữ nó ở
một nơi rất xa, sâu thăm thẳm dưới mặt đất, đằng sau đạo sĩ Kapila, người
đã tìm được nơi ẩn náu xa xôi dưới đất này sớm hơn để dùng làm nơi tụng
niệm và suy tưởng. Khi biết con ngựa đã bị bắt đưa xuống tận dưới đất,
những người con của Xakara bắt đầu đào sâu xuống và rộng ra vào đến tận
trong ruột gan của đất. Họ tìm thấy con ngựa đang bị trói đằng sau một
người đang ngồi tham thiền nhập định; họ bắt con ngựa và hành hạ vị thánh
vì họ tin chắc rằng ông ta đã lấy cắp con ngựa; ngay lúc đó vị thánh nhìn họ
trừng trừng và đôi mắt giận dữ bừng bừng như lửa của ông ta đã đốt họ ra
tro. Có một người trong đoàn sống sót – người cháu nội của nhà vua –, anh
ta đến tạ lỗi vị thánh rồi trở về nhà giúp vua hoàn tất Lễ ngựa. Về sau, nhà
vua thoái vị, nhường ngôi lại cho cháu; con trai của anh ta, Bhagiratha,
được giao cho trọng trách phải đưa cho được sông Hằng xuống đất.