một dụng cụ kẹp. Nó sẽ đóng lại khi anh bóp tay cầm để mở rộng cánh tay.
Bây giờ anh ấy có thể gắp các vật ở xa một cách rất nhàn nhã.
Chủ tịch công ty thấy người nhân viên mới táy máy với một thiết bị kỳ
quặc nên đã gọi anh vào văn phòng của mình. “Tôi nghĩ mình sẽ bị mắng”,
Yokoi nhớ lại. Nhưng không, người giám đốc điều hành tuyệt vọng đề nghị
Yokoi biến thiết bị của mình thành một trò chơi. Yokoi bổ sung những quả
bóng màu để người chơi bắt lấy, và Ultra Hand (loại cánh tay đồ chơi tự
động) đã được tung ra thị trường ngay lập tức. Đó là đồ chơi đầu tiên của
Nintendo và bán được 1,2 triệu chiếc. Công ty trả xong một phần nợ. Đó
cũng là lúc sự nghiệp bảo trì của Yokoi kết thúc. Vị chủ tịch giao cho anh
nhiệm vụ mở phòng nghiên cứu và phát triển đầu tiên của Nintendo. Chỉ
trong một thời gian ngắn, cơ sở sản xuất gạo ăn liền được đổi thành nhà
máy sản xuất đồ chơi.
Về sau, công ty có thêm nhiều đồ chơi thành công nhưng một thất bại
đáng tiếc trong năm đầu tiên đã ảnh hưởng sâu sắc đến Yokoi. Anh đã góp
phần tạo ra Drive Game, thiết bị được đặt trên bàn và người chơi sẽ sử
dụng vô lăng để điều khiển một chiếc xe nhựa chạy trên đường đua cuộn
bên dưới xe thông qua động cơ điện. Nó là đồ chơi sử dụng điện đầu tiên
của Nintendo nhưng hoàn toàn thất bại. Lúc bấy giờ, cơ chế bên trong đã
được cải tiến và trở nên vừa phức tạp vừa dễ vỡ, dẫn đến giá thành đắt đỏ
và rất khó sản xuất, ngoài ra nó còn bị lỗi. Nhưng sự thất bại đó đã ươm
mầm cho một triết lý sáng tạo mà Yokoi trau dồi trong 30 năm tới.
Yokoi nhận thức rõ về những hạn chế kỹ thuật của mình. Như một
người say mê lịch sử đồ chơi nhận định, “anh ấy đã học ngành điện tử vào
thời điểm mà công nghệ phát triển nhanh hơn cả tuyết tan dưới ánh mặt
trời”. Yokoi không mong muốn (hoặc co1 khả năng) cạnh tranh với các
công ty điện tử đang đua nhau phát minh ra các công nghệ hào nhoáng mới
mẻ. Nintendo cũng không thể cạnh tranh với những người khổng lồ của
Nhật Bản về đồ chơi truyền thống – Bandai, Epoch và Takara – trên sân cỏ
quen thuộc của họ. Trăn trở với điều đó và về Drive Game, Yokoi bắt tay
vào một phương pháp mà anh gọi là “suy nghĩ đa phương với công nghệ
giản lược”. Tư duy đa phương là một thuật ngữ được đặt ra trong những