nhất. Như thế lý do để Nintendo tồn tại đã không còn.” Ông cảm thấy các
nhà tư tưởng đa phương và những nhà chuyên môn tốt nhất nên hợp tác
nhau, ngay cả trong các lĩnh vực kỹ thuật cao.
Nhà vật lý và toán học nổi tiếng Freeman Dyson đã khái quát như thế
này: chúng ta cần cả những chú ếch với năng lực tập trung cao độ và các
chú chim có tầm nhìn xa trông rộng. Năm 2009, Dyson viết: “Chim bay
trên trời, bao quát toàn cảnh của lĩnh vực toán học đến tận tương lai xa xôi.
Chúng thích thú với những khái niệm kết nối nhiều tư tưởng và tập hợp
những vấn đề đa dạng từ các yếu tố bối cảnh khác nhau. Ngược lại, ếch
sống trong đầm lầy dưới đất và chỉ thấy những bông hoa mọc gần đó.
Chúng quan tâm đến chi tiết của các đối tượng cụ thể và giải quyết từng
vấn đề một”. Là một nhà toán học, Dyson tự ví mình như con ếch nhưng
ông lập luận rằng: “Thật ngu ngốc khi cho rằng chim tốt hơn ếch vì chúng
nhìn xa hơn, hoặc ếch tốt hơn chim vì chúng nhìn sâu hơn”. Theo ông, thế
giới, vừa rộng vừa sâu. “Để khám phá thế giới, chúng ta cần chim và ếch
làm việc cùng nhau”. Dyson lo ngại rằng khoa học ngày càng tràn ngập
ếch, mọi người chỉ được đào tạo về một chuyên ngành hẹp và không thiếu
sự linh hoạt như chính khoa học vậy. Ông cảnh báo: “Đây là một tình
huống nguy hiểm cho những người trẻ tuổi và cho cả tương lai của khoa
học”.
Điều may mắn là chúng ta có thể canh tác trên những mảnh đất mà cả
chim và ếch đều cộng sinh phát triển ngay ngày hôm nay, với những tiến bộ
tiên tiến nhất và ngay trong những lĩnh vực chuyên môn cao độ nhất.
_____
Andy Ouderkirk cười lớn khi nhớ lại câu chuyện này. “Khi đó tôi đang
ở cùng với ba người sở hữu công ty. Tôi sẽ nhớ mãi họ đã cầm chiếc lọ lên,
nhìn tôi rồi nói: “Đây là sự đột phá về hạt kim tuyến”.
Những hạt màu thường lấp lánh còn loại hạt kim tuyến này sáng rực
rỡ, như thể một ống nghiệm chứa đàn đom đóm đầy ma thuật. Ouderkirk đã
hình dung ra rất nhiều ứng dụng đối với phim quang học đa lớp nhưng hạt