cả những gì họ nói. Một số người im lặng, số khác thì phản đối. Sát cánh
bên nhau là công cụ cơ bản nhất của các binh sĩ, là việc mà họ không biết
rằng có thể từ bỏ cho đến khi có người bảo nên từ bỏ. Một thành viên trong
đội nói thẳng rằng vai trò của một sĩ quan chỉ huy là đồng hành cùng cả đội
và Lesmes nên làm đúng việc của mình. Một người khác nổi giận. Người
thứ ba phát biểu theo phản xạ rằng có lẽ Lesme đang sợ. Anh ta bảo
Lesmes rằng đến số phải chết thì chết thôi, vì vậy chúng ta chỉ nên làm
những gì mình luôn làm. Lesmes đã lo sợ, nhưng không phải vì mạng sống
của mình. Anh bảo tôi: “Nếu có điều gì xấu xảy ra, và sĩ quan chỉ huy
không ở đó, làm sao để giải thích điều đó cho 10 gia đình.”
Tôi đang ngồi với Lesme tại Đài tưởng niệm Thế Chiến II ở
Washington D.C. khi anh ấy nhắc đến điều đó. Anh im lặng rồi bắt đầu bật
khóc. “Toàn bộ quyết định của đội được xây dựng dựa trên quá trình huấn
luyện, các tình huống quen thuộc cũng như sự gắn bó giữa các thành viên
trong đội ngũ,” anh bảo. “Tôi hoàn toàn hiểu được tại sao một số thành
viên thấy khó chịu. Phương án mà tôi đề xuất phá vỡ quy trình vận hành
theo tiêu chuẩn. Ý tôi là, mọi người không đồng tình với nhận định của tôi.
Nhưng nếu tôi đi cùng cả nhóm, chúng tôi có thể phải đến địa điểm cứu hộ
hai lần.” Các thành viên trong đội phản đối Lesmes chủ yếu là do cảm xúc
và thói quen chuyên môn, chứ không phải trên cơ sở tính toán chiến thuật
cho từng tình huống. Trước đây đã có lúc họ thuyết phục anh thay đổi kế
hoạch, nhưng lần này anh vẫn giữ nguyên ý định. Lesmes sẽ ở lại và đã đến
lúc họ phải đi. Những chiếc trực thăng lao nhanh vào không trung khi
Lesmes quay trở lại trung tâm chỉ huy. “Tôi đã đấu tranh rất nhiều để quyết
định ở lại,” anh ấy nói. “Tôi có thể nhận diện được tình hình, và nếu có
điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra, tôi chính là người chứng kiến cảnh trực thăng
cứu hộ rơi xuống.”
May mắn thay, chiến dịch cứu hộ đã diễn ra thành công. Các thành
viên trong đội PJs đã xử lý hiệu quả các vết thương tại địa điểm nổ bom, và
bảy binh sĩ bị thương được đưa lên trực thăng. Họ bị nhồi nhét trong
khoang máy bay như cá mòi. Một vài binh sĩ phải chấp nhận phẫu thuật cắt
chi tại bệnh viện dã chiến nhưng tất cả đều sống sót.