- Vậy chúng mình buông màn đi nghỉ. Nằm trên giường em sẽ kể chuyện
rồng cho anh nghe.
Chị dìu anh đứng dậy, đi về phía giường, nhẹ nhàng đặt đầu anh xuống gối
và tháo dép cho anh. Lòng chị lâng lâng sung sướng khi thấy vầng trán anh
bớt nhăn, khoé mắt anh sáng lên nụ cười hiếm hoi. Chiếc màn tuyn xanh
mát buông xuống, thoảng bay mùi nước hoa chị vừa kín đáo phun nhẹ bốn
góc màn để xua muỗi. Cả chiếc quần lót và váy ngủ của chị cũng thoảng
bay mùi hương quyến rũ, được chị mua về từ siêu thị chiều nay. Trần
Thăng xoay người nhìn sâu vào mắt vợ. Anh vuốt nhẹ mấy sợi tóc mai,
mỉm cuời, nháy mắt hỏi yêu:
- Chuyện rồng của em thế nào? Ở bên Tây người ta xem rồng là ma. Vợ
anh đừng kể chuyện gì về rồng làm anh sợ ma mất ngủ là bắt đền đấy.
- Đền gì nào, anh yêu?
- Đêm hai ngày một.
- Khiếp… sức đâu mà đền ! nhưng sao đêm nay anh bỗng thành con nít sợ
ma thế ?
- Thì chuyện bầu viện trưởng ở chỗ anh cũng là ma hiện đại còn gì.
- Nói cho cùng trên đời làm gì có rồng- Chị lựa lời kéo dài thời gian bằng
câu chuyện bâng quơ, tay mơn man thoa nhẹ khắp người anh..
- Em nói đúng. Nếu cắt bỏ cái đầu rồng có bờm như sư tử đi thì nó có khác
gì con rắn, con rết hay con giun đất, em nhỉ !
- Bởi vì rồng không có thật nên mới linh thiêng. Lúc đầu nó tượng trưng
cho sức mạnh huyền bí của thiên nhiên có thể hô gió, gọi mưa. Lâu dần nó
được con người huyền hoặc, gắn nó tượng trưng cho vương quyền và sức
mạnh của vua chúa.
- Đời thật thú vị! Cứ cái gì hư thực, thực hư bỗng thành thiêng liêng, uy
quyền trùm khắp thiên hạ.
- Chẳng có gì là uy quyền tuyệt đối anh ạ! Em nghiên cứu rồng qua các
triều vua thấy thế rồng cũng biến đổi theo thời cuộc, theo quyền uy và điểm
yếu của các ông vua. Triều Lý, vương quyền còn đang manh nha, chưa với