ngăn mong manh nhưng vẫn là cách ngăn. Đó là chiếc áo tu hành mà Sa
Huỳnh đang khoác lên người. Đó là chướng ngại duy nhất. Người đại đội
trưởng hai đêm hôm trước từng nhổ chốt, từng dẫm lên hầm hố, từng đạp
lên xác địch để được gặp lại người mình yêu bỗng dừng lại. Có cái lực
huyền nhiệm, có điều gì thiêng liêng ngăn không cho người lính chiến tiến
lên để quấy rầy đời sống của một kẻ tu hành. Sa Huỳnh nhìn Hoàng mỉm
cười như thông cảm, như thấu hiểu tâm tình của người lính si tình đang
đứng trước mặt mình. Đôi môi của ni cô mấp máy.
- Tôi nhớ ông...
Ba chữ thôi nhưng đủ làm dịu lại sôi nổi, làm tắt bớt khát khao trong lòng
Hoàng.
- Tôi cũng nhớ ni cô... Tôi nhớ Sa Huỳnh... Nhớ vô cùng... Nhớ muốn
chết…
Giọng nói của người ni cô cất lên ấm êm và dịu dàng như tiếng tụng kinh
và tiếng mỏ.
- Tôi biết ông nhớ tôi... Mấy đêm qua nghe súng nổ tôi mơ hồ biết ông trở
lại. Tôi cầu nguyện cho ông... cho Hoàng...
Hoàng mỉm cười. Anh muốn đánh đổi hết quãng đời còn lại của mình để
được vòng tay ôm Sa Huỳnh vào lòng dù chỉ trong sát na ngắn ngủi. Ôm Sa
Huỳnh như ôm giấc mơ của những ngày ở An Lộc. Ôm Sa Huỳnh như ôm
ấp ước mong được nghe tiếng nói. Ôm Sa Huỳnh như gói trọn thương nhớ,
mong chờ của mấy tháng nằm cô đơn trong Tổng Y Viện Cộng Hòa.
- Ông ốm hơn lần trước mình gặp nhau...
Hoàng cười vui vì giọng nói đầy săn sóc của Sa Huỳnh. Một điều khiến cho
anh mừng vui là ngôn từ của người ni cô bây giờ nặng tính chất trần thế
hơn. Chữ " mình " của Sa Huỳnh nghe âu yếm hơn. Tình tứ hơn. Lãng mạn
hơn. Hai chữ " Mô Phật " mà nàng thường mở đầu trước khi nói cũng
không còn nữa. Có cái gì xảy ra trong tâm hồn của người ni cô? Có thay
đổi gì trong tình cảm của kẻ tu hành? Hoàng tự hỏi như thế.
- Tôi mời ông vào chùa uống chén trà. Sư cụ chắc vui lắm khi thấy ông.
Người nhắc tới ông hoài...
Hai người bước cạnh nhau, song song với nhau trên sân cỏ mọc hoang.