Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM trước đây có trưng bày một bức
bình phong năm lá rất thú vị, trên đó treo 19 cái dĩa gốm cổ phương Tây thuộc
dòng này. Ở giữa bình phong là một bình đựng gia vị của giám mục Bá Đa Lộc.
Bình phong có tại đây từ trước 1975, nay không biết có còn không?
Dĩa gốm cổ phương Tây gắn trên một bức tường lăng Kiên Thái Vương ở
kinh đô Huế năm 1885.
Cái dĩa Tây đầu tiên tôi tìm được mang hình ảnh rất phổ biến, người Việt
thường gọi Tùng-Đình, phương Tây gọi là Willow Pattern (họa tiết cây liễu). Đó
là một phong cảnh hữu tình với tòa lâu đài và tán cây liễu bên bờ sông, một cây
cầu bắc ngang dòng sông với người qua lại, xa xa là một tiểu đảo có con thuyền
đang đi tới. Tại sao có một bức tranh mà đồ sứ Tàu, đồ sứ Nhật và đồ gốm
phương Tây đều thể hiện giống nhau dù in hay vẽ tay?