SÀI GÒN - CHUYỆN ĐỜI CỦA PHỐ - TẬP 1 - Trang 18

Tôi đi ngang qua phố Lê Công Kiều từ những năm 80 để sửa máy ảnh ở

tiệm Phạm Thê rất nổi tiếng ở đây. Lúc đó đồ cổ không bán rầm rộ. Những năm
cuối 1990, đầu 2000 có thể nói là thời hoàng kim của chợ đồ cổ Lê Công Kiều
khi kinh tế khấm khá, khách du lịch đến nhiều và các cuộc triển lãm cổ vật ở bảo
tàng đã kích thích người ta tìm về cổ vật như một thú chơi cao cấp.

Bây giờ đường Lê Công Kiều im ắng hơn, và ngồi trong quán cà phê ngó ra

đường phố, tôi mới nhìn sâu con phố nhỏ này. Dãy phố vẫn còn một ít nhà xây
kiểu Tây từ thời còn mang tên đường Reims trước 1945. Đâu rồi nhà in Thạnh
Thị Mậu, nơi học nghề của danh ca Sáu Thoòng “chuyên trị” vọng cổ một thời?
Và đâu là tòa soạn báo Đại Việt tập chí (tập, không phải tạp) ở nhà số 5 của cụ
Hồ Biểu Chánh những năm 1940, nơi cụ làm việc hàng ngày và có lần hứng chí
mời anh em tòa soạn đi ăn ở đường Pellerin (Pasteur) gần đó. Thấp thoáng hình
bóng cụ Phan Khôi lúc làm báo ở Sài Gòn xưa, năm 1924, tay cắp cặp, lơn tơn
ghé vô nhà người quen rủ đi uống trà Bạch Mao hay Kỳ Chưởng.

Con phố bán đồ cổ này không hề được nhắc trong mấy quyển sách viết về

thú chơi đồ cổ của cụ Vương Hồng Sển, nhưng có thể đây là con đường mà tên
cụ được nhắc đến nhiều nhất từ những đồ đệ tự nguyện của cụ.

Lê Công Kiều, một con phố độc đáo và có khi là độc nhất ở Việt Nam, luôn

bị nghi ngờ, có khi dè bỉu, nhưng vẫn luôn hấp dẫn như một huyền thoại, không
ngừng làm gạch nối từ quá khứ đến hiện tại trong mắt khách vãng lai. Dù sao, nó
vẫn là một trong những con phố đậm chất Sài Gòn nhất để nhớ về, cho những ai
từng biết nó, khi đã xa Sài Gòn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.