Đường Lê Công Kiều “xuất khẩu” niềm vui, sự hiếu kỳ, nỗi đam mê và vẻ
đẹp ngất ngây. Ở đó có đủ “người tốt, kẻ xấu và tên vô lại” như trong một bộ
phim cao bồi. Và nhân vật thứ ba thì luôn luôn có nhiều ở đây, ngồi đâu đó nơi
quán cà phê cóc phía cột đèn góc Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình hay cà phê
Bảo tàng Mỹ thuật bên đường Phó Đức Chính, luôn quan sát những người nho
nhã mới lân la ra phố. Họ sẽ dẫn dắt, nhận mua giúp và bày vẽ một số dấu hiệu
nhận dạng đồ cổ ở cấp thấp nhất cho đến khi con mồi mắc bẫy ở những món đồ
khủng mới sản xuất, nhưng được phủ một lớp thời gian giả mạo “tưởng như trăm
năm” bằng các kỹ thuật độc đáo.
Tuy nhiên cũng đừng nên bi quan. Bà Sáu H. - một người bán vỉa hè, cánh
cửa nhập môn cho người mới chơi - sẵn sàng trao đổi dăm ba câu dù có chua chát
nhưng có thể giúp người mới đến tỉnh táo lại. Và hai mươi phần trăm chủ tiệm
còn lại - đa số thích trông mặt bắt hình dong khách mới ra “Kiều” (một cách gọi
con phố này) để không mất thời giờ với những người vô bổ và ít tiền - luôn thẳng
thắn “phán” về giá trị món đồ một cách rạch ròi. Mặc dù không dễ nhận ra họ khi
bạn ra phố với tâm trạng đầy hoang mang và nghi ngờ, nhưng tin tôi đi, khi đã
kết thân với một người chủ tiệm nằm trong số này, cuộc sống của bạn sẽ thú vị
hơn rất nhiều khi có dịp vừa uống ly cà phê nóng buổi sáng cuối năm vừa nhẩn
nha nói về vẻ đẹp của một bộ ấm chén ký kiểu hay cái dĩa Celadon Nguyên với
màu xanh ngọc hút hồn.
Đã lâu rồi, đường Lê Công Kiều thưa vắng những phụ nữ tay đeo túi xách
đựng dăm món đồ lam Huế mua từ đất Bình Định, được cho là từ quân Tây Sơn
đưa về sau khi ra Thăng Long cùng Vua Quang Trung. Họ mang đến đây nhiều
ấm trà tuyệt đẹp tuy có chút sứt mẻ ở đầu vòi, miệng ấm nhưng giá rất khủng. Từ
đây hình thành một lớp người săn lùng ngồi uống cà phê đầu đường Nguyễn Thái
Bình từ sớm để canh mua những món đồ đẹp, trước khi người bán chào mời các
chủ tiệm mạnh vốn. Có lúc nổi lên ở phố Lê Công Kiều cơn sốt mua cổ vật vớt từ
các con tàu chìm vài trăm năm trước, đồ Khang Hy ở Vũng Tàu, đồ Minh phố ở
biển Bình Thuận, sứ Ung Chính nhà Thanh ở vùng biển Cà Mau, đồ Chu Đậu
thời Trần ở cù lao Chàm. Đây là dòng gốm sứ mậu dịch nên số lượng nhiều, được
các mối lái từ miền Trung, miền Tây mang ra bán. Trừ những món đồ độc có số
lượng ít, đa phần đồ biển có giá vừa phải nên giới chơi cổ vật gom được khá