SÀI GÒN - CHUYỆN ĐỜI CỦA PHỐ - TẬP 1 - Trang 208

Ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1 giờ vẫn còn quán hủ tíu cá Nam Lợi, một

quán của người Hoa tồn tại khoảng 60 năm nay. Quán bán hủ tíu cá, hủ tíu gà.
Sợi hủ tíu có loại nhỏ và loại to bản, lớn hơn bánh phở và có cả mì sợi tươi. Cá
lóc tươi bỏ xương, xắt lát mỏng. Gà thịt dai vừa phải, ngọt thịt. Tô hủ tíu rắc
nhiều tiêu, nước lèo có vị ngọt dịu của cá gà, mùi thơm mực khô và xương hầm.
Trên bàn, bày thêm bánh Patéchaud, ai thích thì ăn. Bánh ngon, mềm nhưng
không dai, nhân đầy, thịt đậm đà. Việt kiều về đây chen chúc trong không gian
chật hẹp cùng dân Sài Gòn, xì xụp ăn giữa tiếng hô ì xèo của chủ tiệm “Cá liệu!”
(Thêm đồ ăn!), “Dùy phảnh!” (Hủ tíu cá!).

Về món ăn ai cũng biết - phở. Nhưng con đường nào để phở Bắc vào Nam

còn rất lờ mờ. Ông Lý Lược Tam, gốc Triều Châu, từng sống ở Lái Thiêu trước
1945 kể trong một dịp hàn huyên, phở thoạt đầu là thức ăn của người bình dân,
bán trên xe đẩy đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Trước 1945, người ta nấu phở khi có
thịt trâu bò đưa về do chết vì bom đạn. Phở theo chân những người Bắc vào ký
công tra làm phu cao su ở Lộc Ninh, nay thuộc Bình Phước. Đến năm 1945, do
loạn lạc, số người này bỏ đồn điền chạy về vùng Lái Thiêu và được những đồng
hương ở đó giúp vốn mở quán hay xe đẩy đi bán phở. Lúc đó người Bắc (dễ nhận
ra do nhuộm răng đen) bị Tây lùng bắt nên một nhóm trốn về Sài Gòn đông đúc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.