Phương) và ở chung với nhau. Phía mặt tiền nhà, họ cho đúc hai chữ “Phát chân”
như muốn thể hiện phương châm sống và làm việc cả đời của họ…
Ngoài nghề chính là bán tạp hóa lúc tuổi xế chiều, các bà Thường Phước còn
nghề phụ là se lông mặt cho những phụ nữ thích làm đẹp quanh khu vực giáp
quận Nhứt và quận 5. Khi hành nghề, họ có một cục phấn dùng thoa lên mặt
khách hàng cho nổi lông mặt, dùng sợi chỉ kéo căng ra và rà trên da mặt. Sợi chỉ
khi kéo căng hay chùng sẽ tự xoắn lại và cuốn đi lông tơ trên mặt khách. Cứ thế,
họ sống quanh quẩn trên đường phố giữa hai quận phồn thịnh nhất Sài Gòn cũ,
cho đến lúc già yếu, qua đời trong sự chăm sóc của những người đàn bà Tàu đồng
hương, không mơ gì có lần về lại cố quốc.
Có những buổi trưa, đi qua phố là một ông đi chiếc xe đạp sừng trâu, mang
theo một ống sáo thổi te te, loại ống sáo thẳng chứ không phải ống sáo ngang. Ai
cũng biết đó là ông chuyên thiến heo. Một ông khác chưa thấy mặt đã nghe tiếng
trống lắc tùng tùng của ông. Lão nhân này luôn mặc đồ đen, vai gánh một cái
thùng vuông bằng gỗ. Đây là ông thợ nhuộm. Khi có khách, ông nấu thuốc
nhuộm trong cái thùng có vỏ ngoài bằng gỗ bọc một thùng thiếc bên trong. Ông
có hai cái cây bằng gỗ để trộn quần áo, xong dùng hai cây đó vớt ra để vắt đồ sau