luôn cảm thấy nhẹ nhàng và thoát tục, cho dù con đường Nguyễn Thiện Thuật
ngoài kia luôn rần rần xe cộ.
Qua năm 1973, khi có ông Sơn Nam đến chơi tại Vân Đường Phủ, ông Sển
giới thiệu về sự thông thạo Hán văn của ông Tám cho ông Sơn Nam, kể từ đó hai
người quen và gặp nhau luôn. Ông Sơn Nam nhiều lần nghe ông Tám kể về quê
hương Lái Thiêu, Bình Dương và ông đưa nhiều chi tiết vào trong sách. Có lần
ông Sơn Nam nhờ ông Tám đến Thư viện Quốc gia, gặp người thủ thư là chỗ
quen biết. Người này cho mượn cuốn sách Trấn Tây Kỷ Lược của Doãn Uẩn mà
ông Sơn Nam có đánh dấu sẵn một số trang. Ông Tám dịch giúp những trang đó
và lưu bản dịch trong cuốn sách để khi nào cần ông Sơn Nam sẽ ghé lấy. Sau này,
khi ông Sơn Nam ra cuốn Lịch sử Khẩn hoang miền Nam , thấy trong đó có
những bài thơ do ông Tám dịch từ Trấn Tây Kỷ Lược. Tuy công xá không có và
ông Tám không quan tâm, nhưng thỉnh thoảng nhà văn Sơn Nam lại tặng một
món đồ cổ nho nhỏ, là thứ ông Tám thích, như cái chén men Celadon đồ Gò Sành
nhỏ xíu có ba chân ở khu chén.
Một lần khác, ông Sơn Nam tặng ông một dĩa sứ Mai Hạc của Tàu với hai
câu thơ chữ Hán sau:
Hàn mai xuân tín tảo
Tiên hạc táo chi đầu
Dịch nghĩa:
Hoa mai lạnh đưa tin sớm,
Hạc tiên réo đầu cành!
Cái dĩa này lạ, ông Tám thích vì nó có hai câu thơ chữ Hán, khác với đa số
dĩa Mai Hạc thường viết mấy câu thơ bằng chữ Nôm.
Sau khi ông Sơn Nam mất, ông Tám đến thắp nhang cho người bạn già hơn
ông năm tuổi và ngồi lại trên cái ghế mây ông Sơn Nam hay ngồi. Ra về, ông xin
mang đi cái ghế mây cũ kỹ ọp ẹp này và nhờ tôi đặt thợ làm một tấm đồng có
khắc vài chữ để gắn vào lưng ghế, ghi dấu kỷ niệm với ông bạn già cùng lứa.