kê sự sống, cám ơn biết mấy. Nếu phải chết trước, trước khi dứt nợ Chánh phủ
Việt Nam Cộng Hòa. Thì nghĩ cũng tội nghiệp: vì một tên công chức làm sổ
trễ, đòi thuế trễ, khiến cho ai đây “nợ còn mang xuống Tuyền đài chưa tan”.
Mỗi tháng đi lãnh tiền hưu, tôi làm thất công người phát bạc không ít: đếm,
chận, trừ. Hình như y muốn tôi trả một lần cho gọn. Tôi về nhà bụng nghĩ:
muốn đi làm thằng ăn trộm. Nói vậy chứ tôi không xin bỏ số thuế này đâu. Để
mới thấy cái tàn nhẫn, hà khắc của Sở Thuế vụ.
II. Công hạn mã trôi theo dòng nước – tôi vô làm viện bảo tàng, là vì chán
cảnh quan trường chen lấn. Muốn tu ở viện cho thỏa thích tánh ham mê đồ cổ.
Năm 1947, nếu tôi nghe lời ông Huỳnh Văn Đạo theo làm Sở Tài chánh có lẽ
được vô ngạch và không lận đận như vậy. Làm cho viện bảo tàng, tôi kể ba
công thôi, cũng hữu ích hơn làm thư ký bên Tài chánh:
Công thứ nhứt: - Chính tôi tiếp nhận bảo tàng trong tay Pháp bỏ lại năm
1947 sửa sang, xếp đặt, cho ra hình.
Công thứ nhì: - 17 năm khéo giữ gìn, trau giồi, nhận bộ môn bảo vật Óc Eo
rồi khi thôi việc, giao đủ số cho người thừa kế.
Công thứ ba: - Từ Hà Nội, năm 1954, trường Bác Cổ mang vô gửi một mớ
cổ vật của viện ngoài Bắc, định mang về Pháp, nhưng tôi khuyên một lời, họ
bằng lòng để lại cho Sài Gòn hưởng những vật này, không khéo đã mất bao
nhiêu vật quý. Xem lại số mục lục tài liệu thì biết.
Làm tôi 37 năm: trong sạch, không biết ăn của hôi một đồng. Nghĩ ra tổ dại.
Sách dạy không biết nghe? Biết sớm, cứ ăn cho khéo, lấy đó mua bạc ròng,
đúc làm một con hổ đặc, vì tuổi “Nhâm Dần”, rồi chặt lần ra ăn, lớp trả thuế,
lại khỏi làm thơ dài kể lể. Ông Huyện tuổi “Sửu” nói trước mà không biết...
Vì quá mừng có tân Chánh phủ xứng đáng, tôi viết thư chúc mừng lê thê,
việc dĩ lỡ ra rồi, viết lại không được nữa, xin bỏ qua cho là đủ. Đừng làm gì
cho tôi hết, vì tôi không muốn, và tôi không ước ao chi hết.
Trân trọng kính chúc an khang và mát tay.
Vương Hồng Sển
Nhà số 5 đường Nguyễn Thiện Thuật, Gia Định