VỀ BÀ CHIỂU, RẢO HÀNG BÀNG
Cô Tám nhắn tin trên Facebook hỏi tôi có biết cái hẻm nhà cô hồi đó gọi là
hẻm “Ba cây Sao” không? Đó là cái hẻm trên đường Nơ Trang Long, xưa là
đường Nguyễn Văn Học. Hẻm gần Ngã tư Bình Hòa, không xa cái nhà gỗ trên
đường Rừng Sác nay là đường Nguyễn Thiện Thuật của ông Vương Hồng Sển.
Cũng không xa cái nhà xưa trên cầu Băng Ky, mà mùa hè năm trước tôi viếng
thăm và đưa vào cuốn “Sài Gòn, chuyện đời của phố” phần 1. Đằng trước
hẻm nhà cô Tám có trồng ba cây sao cao vút. Bây giờ nó chỉ còn cái tên cũ
không mấy ai biết, chỉ biết đó là cái hẻm 104 mà thôi.
Một tin nhắn nhỏ khiến tôi nghĩ ngợi về vùng Bà Chiểu và thấy rằng mình
luôn có cảm giác dễ chịu khi đến nơi đó. Đất Bà Chiểu, giống như Lái Thiêu
hay Trảng Bàng, đều là những vùng dân cư luôn khiến người mang tình hoài
cổ có cảm xúc khi lai vãng. Ở nơi đó, xen giữa những nhà phố, thỉnh thoảng lại
ló ra một căn nhà ngói rêu phong, một cây cổ thụ um tùm lá, một góc miếu thờ
nhỏ hay mái đình to và ở đó dân cư thường hiền hòa, bình dị.
Đi về Bà Chiểu như đi về một quá khứ không xa lắm. Trường Vẽ Gia Định
nay đã không còn mặt tiền xưa với những cái cột Toscan và vòm cửa arcade rất
đẹp, điều này khiến tôi luôn tự hỏi tại sao những người quản lý ngôi trường
hay ở cấp cao hơn không tìm cách giữ lại một vẻ đẹp kiến trúc cổ điển và
mang giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật rõ nét như vậy? Đi ngang nhà ông
Vương Hồng Sển, nhìn vào sân sau thấy cây xoài thanh ca cuối sân đã chết
nhưng vẫn cố đứng vững chịu đựng lũ dây leo quấn quanh chằng chịt. Kệ thờ ở
dưới cái mái nhỏ trong sân giữa có di ảnh của ông và bà Năm Sa Đéc nhìn ra
cái hòn non bộ buồn thiu, vài cây chậu nhỏ tiêu sơ và cái nhà lớn cửa đóng im
ỉm. Ngôi nhà gỗ mấy trăm năm tuổi này ngày càng xuống cấp, chờ đợi một
phương án giải quyết không biết bao giờ thành hiện thực để có thể thực sự biến
thành bảo tàng như ước nguyện cuối đời của ông. Bên ngoài đường, một đám
múa lân rầm rộ mừng một ngân hàng vừa khánh thành, bóng loáng trên nhôm,
trên kính và trên gương mặt vài vị quan chức.
Bà ngoại tôi, tiểu thư của một gia đình hết thời vùng Khánh Hội đầu thế kỷ
20 kể với má tôi rằng khi còn trẻ, bà thường có việc đi qua khu Bà Chiểu từ Gò