miền Nam này, mà dân lục tỉnh vẫn thường gọi là chợ trung tâm. Chú dám bỏ
tiền sang một lúc hai cái tiệm sát bên nhau, số 301-303 cửa Tây, lấy tên là tiệm
Kim Phát. Tiệm chuyên bỏ mối hàng nữ trang xi mạ cho các bạn hàng trên
khắp miền Nam, từ lục tỉnh đến các chợ miền Trung. Kim Phát trở thành một
tiệm bán đồ xi mạ lớn, không chỉ nhờ diện tích mà còn do quy mô làm ăn.
Năm 1953, sau trận lụt năm Thìn, ba tôi sau mấy năm làm ăn với mấy cái
máy dệt nhỏ không thành công đã chán cuộc sống làm ông chủ nhỏ luôn thiếu
vốn, bị chính quyền và bạn hàng bắt chẹt đủ đường. Ông xin vào làm nhân
viên hiệu Kim Phát của chú Lý Ngọc Lang, nhỏ hơn ông vài tuổi. Từ đó, ông
gắn bó với hiệu buôn này suốt một phần tư thế kỷ. Có một nghề ổn định, ăn
lương tháng đều đều đủ nuôi vợ con, không bị dính vào chuyện lính tráng, đó
là hạnh phúc nhỏ và niềm tự hào lớn của một người kiếm sống trên đất Sài
Gòn sáu mươi năm trước.
Chú Lý Ngọc Lang là một ông chủ người Việt gốc Hoa điển hình, chí thú
làm ăn và tiếp tục nai lưng làm việc khi đã trở thành ông chủ. Hai vợ chồng
chú mỗi ngày đến tiệm làm việc với người nhân viên duy nhất là ba tôi. Ba tôi
tính toán tiền bạc, giao hàng bỏ sỉ cho khách và bàn bạc việc đặt gia công các
mặt hàng với ông bà chủ. Người Hoa vốn quý người thật thà và nếu đủ độ tin
cậy, họ coi như người nhà. Ba tôi được nắm những giao dịch quan trọng của
chú Lý, thay mặt chú giải quyết công việc. Rồi theo ý muốn của chú Lý, ba tôi
dần tham gia một số hoạt động của gia đình ông, như đi ăn cưới, đầy tháng,
thôi nôi, ma chay hiếu hỉ và cả đi du lịch cùng gia đình chú Tám ở Cấp, Đà
Nẵng. Ông anh tôi nhớ lại: đi Vũng Tàu cùng với gia đình ông chủ, ba tôi vẫn
giữ phận nhân viên, giúp ông lo cho mọi người vui chơi, ăn uống. Ông biết giữ
khoảng cách với ông chủ dù từ lâu được coi như người nhà.
Ở tiệm Kim Phát, hàng hóa được đóng gói để trên kệ, khách hàng đến được
giao nhanh chóng. Hàng xi mạ bằng bạc luôn có giá cao hơn vì nước mạ đẹp
lâu phai hơn đồ bằng nhôm. Thời buổi chiến tranh, phụ nữ Việt bình dân vẫn
thích chưng diện nhưng không phải ai cũng có vàng để đeo, đã vậy thời buổi
không ổn định, đeo hàng xi vẫn đẹp lại ít tiền, có mất không tiếc, thế là nữ
trang xi mạ bán đắt như tôm tươi. Hàng trong Chợ Lớn cung cấp không kịp,
ông chủ phải giao cho nhân viên đem nguyên liệu về nhà sản xuất khâu cuối ăn