chuột chập chùng từ trên cầu với khung cảnh ấn tượng nhất nhìn từ cầu Trương
Minh Giảng.
Dũ sống trên căn nhà nửa trên bờ, nửa chìa ra rạch Thị Nghè. Phần nửa chìa
ra được đặt trên cột bê tông hẳn hoi nên khá chắc chắn vững chãi. Ở vậy mà
sướng, gió sau nhà thổi lồng lộng qua mặt nước xanh trong. Những năm đầu
thập niên 1970 cho đến 1980, nước vẫn còn trong, có thể nhìn thấy đồng xu
chìm xuống chỗ nước cạn. Lũ nhỏ đi bắt cá, lươn... đến lúc vớt được nhiều con
trùn chỉ để bán là biết nước rạch đã bắt đầu ô nhiễm, trong nhà đã nghe mùi
nồng hôi và chung quanh đã ken đầy những căn nhà cất tạm. Khu “Khăn đen
suối đờn” gần đó, mang tên một tiệm bán khăn xếp ở Bình Dương, đã bị suy
diễn là do trong khu đó có con rạch nhỏ dài và đen như cái khăn và tiếng nước
chảy róc rách như tiếng đàn.
Kha có hàm râu quai nón bạc trắng như Hemingway lúc về già. Khi rời căn
nhà sát cầu Ông Tạ để ra nước ngoài gần bốn mươi năm trước, trong ký ức
Kha không thể hình dung con rạch này đã có lúc đen hôi một cách kinh hoàng
như thập kỷ 1980 và sau đó nữa. Và cũng không hình dung nổi là nó đẹp như
bây giờ. Dù đã bắt đầu bị lấn chiếm làm nhà ở từ hồi lứa chúng tôi mới năm
sáu tuổi, rạch Nhiêu Lộc lúc ấy vẫn còn nét hoang sơ và không đến nỗi bẩn
thỉu. Mùa mưa, nước rạch dâng lên chảy tràn hai bờ khu Ông Tạ. Con đường
Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) ngập lênh láng, xe hơi, xe gắn máy bị
nước vào ống bô không đi lại được. Phía bên kia cầu về hướng rạp Đại Lợi mỗi
lần ngập như trong một cái hồ, nước lên tới nửa thước. Nhà ở khu này đều thủ