anh chàng Mỹ rút túi tặng ông một ít tiền và ngỏ ý vào cuối tuần nhờ ông
chở đi vòng vòng Sài Gòn chơi. Ông X. nhận lời và từ đó, ý thức rằng có thể
kiếm tiền bằng những lần chở người ở yên sau, ông tìm cách tăng lượng
khách. Ông chở thêm những người Mỹ khác và nhận ra rằng tiền kiếm được
còn nhiều hơn trước kia đi làm nữa.
Lúc đó, khu Kho 18 có hai snack-bar là Rạng Đông và Thúy Phương.
Thấy ông X. làm ăn được, mấy ông từng làm sở Mỹ đang thất nghiệp bắt
chước theo và thấy có ăn. Họ mua toàn là xe Lambretta vì xe khác người
Mỹ lắc đầu. Từ đó hình thành đội ngũ xe ôm đầu tiên ở Sài Gòn đậu dài dài
ở hai bar rượu này, đi cùng một loại xe và chủ yếu phục vụ cho các nhân
viên dân sự Mỹ. Họ không chỉ đi uống rượu mà bằng xe ôm, có thể vô các
khu hẻm nhỏ tìm người quen, tìm bạn gái, tìm bạch phiến. Còn người dân
Sài Gòn bình thường không ai quan tâm đến loại xe này. Ai không có xe
máy thì đi taxi, xe bus hay xích lô máy, xích lô đạp, xe Lambro...
Căn cứ vào câu chuyện trên, có thể coi là xe ôm có từ giai đoạn đầu khi
người Mỹ mới vào miền Nam Việt Nam. Nhưng có thể nó trở nên phổ biến
hơn sau khi nhập cảng xe Nhật, năm 1967. Một tác giả đã mất ở hải ngoại là
Lưu Nhơn Nghĩa trong bài “Lải nhải đời tôi 1959–1969” có viết: “Dân công
chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm...
Lần đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm
vì quyền lợi. Lúc đó tương đối còn sống được, sau nầy đời sống chật vật, cả
đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp, công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ
ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á châu, chỗ gác
chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn nầy. Xe Nhựt lại hết
sức bền bỉ, ít hao xăng, chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm
đường. Xe Pháp như Mobilette, Sachs (Thật ra xe này của Đức – TG), Puch
chạy không nổi, yên xe nhỏ, chông chênh”. Ông còn kể thêm: “Hình như
giới xe ôm cũng có luật riêng giúp đỡ lẫn nhau khi có trường hợp bị khách
giựt xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một
hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín đáo
bảo vệ nhau, tiền chia chác sau đó”.