đường, chị ở nhà sinh con và giữ thói quen uống thức uống rất “đàn ông”
này. Khi hớp một ngụm nhỏ, chị thấy như dĩ vãng đẹp hiện về, trước mặt là
khuôn mặt rắn rỏi, hiền lành hơi “cù lần” của anh.
Về nhà, tôi hỏi ông anh về bài hát chị Dung thợ may đã hát. Anh nói đó là
bài nhạc phổ thơ của một ông giáo lấy bút danh là Trường Anh ở Tây Ninh.
Hồi anh còn dạy ở miệt Tây Ninh, xe đi từ Sài Gòn về phía tỉnh biên giới
này đều đi qua vùng Cẩm Giang. Vùng này thời Pháp thuộc có một nhà tù
giam chính trị phạm mà cậu Tư của chúng tôi từng bị nhốt ở đó. Mỗi khi xe
đưa anh qua vùng Cẩm Giang trong tháng chín giữa mùa mưa, anh luôn nhớ
bài hát đó, bài “Mưa đêm nay”. Những lúc đó, lòng da diết buồn khi nhìn về
quê hương phía tây nam qua màn mưa. Trước 1975, con đường từ Sài Gòn
lên thị xã Tây Ninh không an toàn. Mấy thầy giáo gốc Sài Gòn đi Tây Ninh
cứ mỗi lần hết phép trở về trường sau nghỉ hè hay nghỉ Tết thường lâm râm
khấn vái trong miệng đấng thiêng liêng tùy theo tôn giáo của mình, chỉ
mong còn nguyên vẹn cho đến ngày được trở về nhà. Suốt mấy năm dạy
học, anh an lành nhưng có lần, một quả pháo đã rớt trúng nhà trọ của anh ở
khu Mít Một, mảnh pháo xén đứt một góc ván gõ nơi anh đang nằm ngủ,
trong một đêm có chiến sự năm 1972.
Hết hè năm 1974, tôi nhập học trở lại. Tôi bỏ đi sinh hoạt hướng đạo ngày
chủ nhật vì ba má tôi sợ bom rơi đạn lạc nguy hiểm, không cho đến chỗ
đông người. Tôi không có việc gì để ghé tiệm may chị Dung nữa. Rồi một
năm sau, chiến tranh kết thúc. Tôi quên bẵng cái tiệm may nhỏ mà tôi lui tới
nhiều lần suốt cả mùa hè đó.
Hơn bốn mươi năm sau, ngày cuối tháng tư, bỗng nhiên bên tai văng vẳng
giai điệu buồn của bài hát “Mưa đêm nay” cùng mùi cà phê thơm trong quán
bỗng dưng kéo tôi trở lại trong một chiều đầu mùa mưa ở Sài Gòn. Chị
Dung, đứa con gái nhỏ của chị và gương mặt người trai trẻ hiền lành trong
bức ảnh bỗng hiện lên mồn một trong ký ức của tôi.