Cuộc sống đường Tự Do đậm dấu ấn Hoa kiều, nhất là trên đường
Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi) thẳng góc với Tự Do. Thỉnh thoảng trên
lề đường thấy một ông Tàu đội nón cời-lối, xách thùng sắt tây có sợi dây
móc trên vai, bán bò bía ngọt. Trên đường này còn có một bà xẩm chủ tiệm
bán giấm hay ăn gian, thường pha nước vào giấm nên mẹ Thành luôn dặn
người nhà khi đi mua nhớ nhắc bà xẩm lắc cái hũ trước khi rót để phần giấm
chảy xuống nhiều hơn. Giữa đường Nguyễn Văn Thinh có tiệm nước nổi
tiếng Nam Quang cũng của người Hoa. Dân quanh vùng thích đến đó uống
cà phê, ăn hủ tíu bò viên. Ai có bệnh thì mua thuốc bắc ở tiệm Tồn Tâm Tế
gần đó. Cà phê ở tiệm Nam Quang được đổ vô dĩa để húp khi còn nóng. Do
quen giao dịch với Tây, ba của Thành chỉ uống cà phê rót ra ly thủy tinh,
còn chú bé Thành ăn bánh hạnh nhân. Trong tiệm còn đặt một xe bán bò
viên của người Tàu, bánh croissant có nhân hột gà bên trong. Xe mì góc
Nguyễn Văn Thinh – Hai Bà Trưng có những hình vẽ tranh kiếng tích tuồng
Tam quốc, Thủy hử có từ nửa thế kỷ trước cho đến giờ vẫn tồn tại. Có lần,
Thành thấy giáo sư âm nhạc T.V.K đến đó ăn, mang theo một chai đựng mù
tạt vàng để dùng với mì, có lẽ ông nhớ kiểu ăn mì hồi xưa. Đường Tôn Thất
Thiệp vẫn còn tiệm hủ tíu Thanh Xuân rất hẹp với bề ngang hai mét, tấm
bảng hiệu cũ kỹ vẫn còn qua nửa thế kỷ. Đường Nguyễn Văn Thinh còn có
tiệm Peacock (con công) bán đồ “lâm vố” (rabiot) ăn rất ngon, không phải
đồ ăn thừa của khách, mà là thức ăn trong bếp còn dư, bán rẻ trong ngày, bỏ
hộp đàng hoàng. Ngon nhất là bò lúc lắc và món cơm giống cơm chiên
Dương Châu nhưng có vị bơ.
Mùa hè năm nay, tôi và anh Thành, những cư dân cũ của Sài Gòn, đi lại
trên con đường Tự Do, đã là đường Đồng Khởi gần 40 năm nay. Vẫn còn là
con đường sang trọng, gợi cảm, vẫn xứng đáng được ca ngợi như trong cuốn
sách năm xưa: “…Với những tầng nhà cao chót vót của một thành phố tân
tiến, những cửa hàng mỹ thuật, những lớp người trẻ tuổi tấp nập đi lại, con
đường chan chứa cái tưng bừng và náo nhiệt của một dân tộc tiến bộ…”
(Lịch tài liệu 1959). Niềm tự hào ấy tồn tại cho đến giờ. Người đi cùng miên
man kể: “Có những buổi đi dạy qua đường này buổi chiều, tôi nhớ những
chiều năm 1972 lúc lên mười. Khi sắp đến giờ cơm, tôi nắm tay bà vú nuôi