Không lẽ người như ông mà phải đày đọa tấm thân tới nước ấy?”.
Sáng ngày 30 Tết, gian hàng anh Ninh còn bán được đến 10 giờ. Hàng
hóa sạch bách, sạp dỡ ra xong, anh em tính sổ thấy số tiền bán cả thảy 3
ngàn 500 đồng, trong lúc đó các gian hàng khác không được một phần năm,
trong mấy buổi chợ ấy. Trừ tiền ăn uống sung sướng mấy bữa và các sở phí,
mỗi anh em còn được chia lối 15 đồng. Năm ấy, đối với các nhà làm cách
mạng này, họ được ăn Tết đáng bực nhứt.
Từ sau Tết đó, các tay bán hàng rong bắt chước anh Ninh rao hàng bằng
cách hô to lên cho khách chú ý dù họ không thể bắt chước được lối hô trào
lộng của anh để làm cho khách chú ý. Có người phải dùng cách kêu lô-tô,
ca vọng-cổ, nhiều lúc khách qua đường phải bực mình với họ."
Những câu chuyện về Sài Gòn sinh động mà đơn sơ, có chút hồn nhiên và
thấy thương thương cho tính cách chất phác không ganh đua hiếu thắng dù
cương cường bất khuất, không vênh mặt tự mãn coi giá trị mình cao hơn
đồng bào. Bao nhiêu người đã từng đi qua thành phố này như một khách
vãng lai hạ gánh nặng để nghỉ chân, uống chén nước trà pha theo kiểu Huế
vun chùm bọt, nói dăm ba câu với bạn mới quen. Vài lần như vậy, họ cảm
thấy không bị coi thường dù trước mặt họ là thầy hay thợ. Rồi họ quyết định
nán lại làm ăn thêm chút nữa, mở lòng chút nữa với tha nhân cho đến khi họ
hòa nhập vào thế giới chung quanh một cách gắn bó, lúc đó họ là người Sài
Gòn. Như ba tôi, và bao lớp người từng chọn nơi nầy làm quê hương.
Cho dù có lúc họ chùng lòng trong buổi chiều mưa ở cầu Ông Lãnh:
Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
Quán bên hè, uống tách cà-phê.
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng…
(“Thơ Ba Mén" – Bình Nguyên Lộc)