NVN: Từ góc độ một nhà báo, từng sưu tập sách báo cũ và đặc biệt là
người viết về Sài Gòn, xin thử cắt nghĩa xem vì sao lại có câu chuyện Sài
Gòn chưa có những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp viết về nó một cách thật
bài bản, cũng như chưa có những nhà văn gắn tên mình với tên đô thị Sài
Gòn (như Orhan Pamuk với Istanbul, James Joyce với Dublin, Paul Auster
với New York...)?
PCL: Tôi nghĩ thành phố nào trên thế giới này cũng đáng để viết về nó.
Nhưng vì sao có những nhà văn gắn tên mình với tên đô thị như anh nói,
hay nói khác đi có những đô thị gắn tên mình với tên một nhà văn? Tôi nghĩ
trong mối quan hệ này, tài năng của nhà văn sẽ quyết định và Istanbul,
Dublin hay New York đã may mắn có được Pamuk, Joyce hay Auster. Đã có
những tác giả viết sách về thành phố này như Vương Hồng Sển, Sơn Nam,
Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Minh... Chưa kể có một số nhà văn trước kia,
trong tiểu thuyết của họ cũng đậm đặc cuộc sống về Sài Gòn. Các nhà văn,
nhà nghiên cứu đi trước đã có những thành công và hi vọng duyên may sẽ
giúp thành phố này có tác phẩm lớn như anh nói.
NVN: Nhưng nói cho cùng tài năng thường được trổ sinh trên một nền
tảng văn hóa. Với Sài Gòn, dường như sự “đứt gãy” văn hóa trong tiến
trình lịch sử hiện đại đã là một hạn chế đáng tiếc?
PCL: Nếu có đứt gãy, phải tìm cách nối lại bằng sự góp sức của những
người yêu và gắn bó với Sài Gòn. Đã có những tập sách ảnh, tranh vẽ, bưu
ảnh cổ được xuất bản. Trên mạng xã hội, nhiều trang chia sẻ ảnh hay bài viết
về kỷ niệm Sài Gòn xưa đã được lập ra với nhiều thành viên. Các cuộc thi
viết về Tết trong hoài niệm, về kỷ niệm gia đình cũng đã có. Những việc
này chính là lưu giữ ký ức và nên được khuyến khích. Những sinh hoạt văn
hóa của Sài Gòn xưa cần được đánh giá và khẳng định giá trị. Cần có những
bù đắp về ký ức đô thị đã bị mai một.
NVN: Trong hai quyển sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố, rất nhiều câu
chuyện thuần túy là cảm xúc cá nhân (chuyện trường lớp, học hành, những
ấn tượng thời ấu thơ với Sài Gòn, những biến cố trong gia đình...). Khi tìm