tòi và ngồi viết ra, có bao giờ anh sợ rằng chúng quá khu biệt, riêng tư,
không mang tính đại diện cho cái gọi là “chuyện đời của phố”?
PCL: Cuốn I như mối tình đầu, tôi thổ lộ cảm xúc nhiều hơn, mang tính
chủ quan và riêng tư. Tôi nghĩ dù cái tôi là đáng ghét, nhưng khi chia sẻ cái
nhìn, cảm nghĩ riêng một cách chân thành sẽ nhận được đồng cảm, và điều
đó đã có. Sách không bị ràng buộc bởi thể loại, người viết sẽ cảm thấy thoải
mái khi viết điều mình cảm nhận và có hiểu biết ít nhiều. Quan trọng là bạn
đọc chấp nhận được nó. Ở cuốn II, anh sẽ thấy ít cảm xúc cá nhân hơn, tư
liệu nhiều hơn. Tôi đọc được câu: “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi
khi đầy máu và xác những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau; mà các
sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có
những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ” (Will & Ariel
Durant). Có những điều đã có người viết rất giỏi, nên tôi muốn góp sức viết
chuyện “trên bờ” của dòng lịch sử, là những chuyện đời thường “cất nhà,
làm vườn, nuôi con...”. Có thể chúng riêng tư nhưng cuộc sống đời thường
của một giai đoạn quá khứ nào đó vẫn góp phần vào chuyện đời của một
thành phố.
NVN: Nghe nói trong quá trình tìm hiểu để viết cuốn II, anh đã khám phá
thêm nhiều tư liệu rất thú vị?
PCL: Lần này tôi may mắn gặp được một nhân vật hoạt động trong giới
nghệ thuật của Sài Gòn cách nay sáu mươi năm. Từ ông, tôi có nhiều tư liệu
quý về chuyện tổ chức dịch vụ du lịch Sài Gòn thời chiến khá thú vị. Ông
cũng cho phép đăng những tấm ảnh tư liệu màu hiếm có do ông chụp nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn tuổi 23 khi còn là thầy giáo sống trong một căn gác trọ.
Ngoài ra, đó là câu chuyện về ban nhạc thiếu nhi lừng tiếng, ban Tuổi Xanh
với kỹ thuật biểu diễn bài bản, nơi xuất phát các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như
Mai Hương, Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, nhạc sĩ Quốc Dũng... Là
câu chuyện Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam. Là chuyện mối duyên tình
của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trung Cang và cuốn sổ tay cuối cùng của ông.
Qua tư liệu trên báo xưa, sách cho độc giả hình dung về siêu thị đầu tiên của
Sài Gòn với diện tích lớn, kệ quầy, cửa quay, bàn cuốn, máy tính, kho lạnh