Ký ức sau khi được chiêm nghiệm giúp thị dân nhận thức các giá trị lâu
đời trong văn hóa, lối sống và truyền đến lớp người sinh sau. Ký ức đô thị
cần được lưu giữ. Một đô thị không có ký ức giống như một con người
không nhớ gì về nơi mình sinh ra, lớn lên và cách mình trưởng thành ra sao.
Nếu vậy, sẽ không biết đánh giá đúng các giá trị để chọn lọc, giữ gìn, truyền
lưu.
NVN: Anh có hai con trai. Có bao giờ anh thử so sánh sự khác biệt giữa
thế giới Sài Gòn trong mắt hai cậu bé với thế giới Sài Gòn của anh, tình yêu
với Sài Gòn của chúng với tình yêu Sài Gòn thời thơ ấu của anh trước đây...
PCL: Tình yêu Sài Gòn của tôi trước hết từ cảm xúc yêu thương gắn bó
với người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, những trò chơi tuổi nhỏ
và những chuyến đi chơi Sở thú, chợ hoa Nguyễn Huệ dịp Tết... Nếu sau
này các con tôi lớn lên và sống xa thành phố này, tôi tin rằng kỷ niệm trong
gia đình ngày Tết, trường lớp bạn bè, những chuyến đi cùng cha mẹ sẽ hình
thành tình yêu của các con tôi đối với thành phố này giống như tôi, dù cuộc
sống và diện mạo Sài Gòn có khác đi.
NVN: Thử hình dung, 50 năm sau, giả dụ hai con trai của anh sẽ tiếp tục
viết một dạng TP.HCM - Chuyện đời của phố thì chúng sẽ viết gì?
PCL: Năm 1972, khi tôi 11 tuổi, ba của tôi là nhân viên cửa hàng Kim
Phát ở chợ Bến Thành vừa đi làm về đã cho biết người ta định đập ngôi chợ
này để xây một khu chợ mới hiện đại nhiều tầng lầu. Sau đó một thời gian,
ông lại kể rằng vì dân chúng phản đối quá nhiều nên cuối cùng ngôi chợ vẫn
được giữ nguyên, tồn tại đến ngày nay. Câu chuyện đã diễn ra từ hơn bốn
mươi năm trước, tôi có viết lại trong phần II cuốn sách. Sài Gòn nửa thế kỷ
sau chắc sẽ rất hiện đại, và rất có thể các con tôi trong câu chuyện giả định
này sẽ viết về những quyết định đúng hay sai khi người ta đứng trước một
hay nhiều kiến trúc cổ của thành phố này. Biết đâu chúng sẽ đưa hình ảnh
một tòa nhà cổ, vẫn đang tồn tại, cho mọi người xuýt xoa tiếc rẻ, vì ở thời
của chúng đã biến mất để thành khu buôn bán hay cao ốc gì đó.
NVN: Xin cảm ơn anh!