67
Chính họ cung ứng cho dân khẩn hoang những nhu yếu
phẩm từ cây đinh, cây kim, sợi chỉ, đường, đậu, thuốc
lá, thuốc Đông y. Nhiều tay mại bản ở Chợ Lớn được
các ngân hàng từ Singapore và Hương Cảng (thuộc Anh
Quốc) tài trợ về vốn, họ thao túng giá thu mua lúa gạo.
Người Hoa lai Việt, sau đôi ba đời, trở thành người
Việt, phần lớn quên hẳn tiếng Hoa. Bởi vậy, sự phân
biệt không còn nữa.
Nói chung, người Hoa siêng năng, chịu cực, làm việc
quên mình, quen sống chật hẹp trong gian buồng nhỏ,
ăn sáng ăn trưa ngoài đường, khi giao ước làm ăn, lấy
chữ tín làm đầu, không cần giấy tờ. Họ đi chùa miếu
của người Việt, cầu xin sự phò trợ của thần thánh địa
phương, cũng như người Việt thường đi chùa người Hoa
vì thần thánh nào cũng là thần thánh. Phải chăng vì quen
giao thiệp với người Hoa mà khá đông người Việt cũng
suốt ngày tới lui ngoài đường, bàn bạc chuyện làm ăn
ở quán, ăn quà vặt. Người lớn tuổi, khá giả cũng thích
ăn ngoài đường cho vui đường, vui phố.
Sống ở bến cảng giao lưu với Đông Nam Á và châu
Âu, người Sài Gòn biết tận dụng ưu thế. Làm kinh tế
với dịch vụ lớn nhỏ, chạy mối hàng hóa đưa từ chỗ này
sang chỗ kia, hoặc giao thiệp với người mua bán sỉ lẻ ở
các tỉnh. Muốn làm ăn, cần lượng thông tin sốt dẻo, vì
vậy, siêng đọc báo. Hình thức văn nghệ “nghe, nhìn”
được ưa thích vì trực tiếp gây cảm giác, như ca vọng cổ,
xem hát bội rồi hát cải lương từ những năm sau 1930.