Anh nói anh nhớ gia đình, nhớ vợ và hai đứa con. Em cũng nghe từng
ngày mong nhớ ba má. Nhưng còn đứa con, em tỉnh bơ để không dính vào
giấc mơ đó. Những nơi em qua trẻ con đầy rẫy, thương đứa nào thì mua cho
tấm quà, gói bánh nói chuyện vài câu. Cũng nghe mình thành má thành ba
trong một con tim này.
Chừng đó thôi cũng đã đủ, chứ nhận nuôi một hai đứa mai mốt nó viết
làm sao trong phần lý lịch, nó viết sao trong phần khai sinh, trong học bạ ở
nhà trường. Người ta gọi những người phụ huynh như em là má hay là ba.
Em không miệt thị mình nhưng sợ tội cho đứa con giả dụ. Anh nói phải chi
em ở bên trời Tây.
Đêm đó anh về, em nằm trên chiếc võng, lắc lư cuộc đời mình cho dễ
ngủ. Nhớ câu nói hồi mới gặp, anh hỏi em tên gì. Em nói Mộng Mi, anh
nghe không rõ tiếng Nam nên hỏi lại.
Mộng Mị? Gần như một giấc mơ phải không em? Không, ai dại mà
mơ kiểu đó, mơ cái kiểu mình không phải đàn bà cũng không phải đàn ông.
Nếu mơ, em mơ mình giống anh. Một bác sĩ có khuôn mặt biết nói, có mái
tóc đã điểm sương vì bao năm sống ở núi rừng Trường Sơn. Cái miền
Trung này nghèo xác nghèo xơ, còn cái bản người dân tộc này nhìn rụng
rời luôn.
Em hát năm bài muốn đứt hơi mà chỉ có một anh dưới xuôi mua cho
ba vé. Cái anh có đôi mắt đa tình với bộ râu quai nón nhìn thôi cũng đã chết
một con mắt rồi. Nhưng em không đụng vào anh ta như cái cách hành xử
của con Mỹ Lệ. Nó đẹp như tây lai và nó làm tình cũng như tây. Sau vụ đó
anh râu quai nón cho nó trăm ngàn bồi dưỡng. Em thấy chanh chua, đã bê
đê rồi còn làm đĩ!
Đêm thứ hai cái anh râu quai nón cũng nhập nhoạng ở bãi, một lúc sau
em thấy con Mỹ Lệ kéo anh ra ở một cái nhà sàn... Em nhắm mắt lại mà
nghe lòng mình mở ra bao cơ sự, em thấy buồn, thấy hơi thở vương vãi như