- Chắc họ chỉ xử tội những người không đứng trong đội ngũ của họ
thôi chứ? - Anh tôi hỏi.
- Dạ, không trừ một ai - Dung cũng tham gia vào cuộc nói chuyện -
Trong lúc kháng chiến, cần có đông người trong đội ngũ thì họ cũng có một
sách lược lôi kéo. Nghĩa là có lỏng tay chút ít những về nguyên tắc tư
tưởng thì vẫn là thành kiến giai cấp, kỳ thị thành phần phi vô sản. Nhưng
nay có chiến thắng, có hòa bình rồi hết "giặc ngoài", họ chẳng có gì phải
chiếu cố, phải lôi kéo "thù trong" nữa. Hết thú rồi, người đi săn tính chuyện
"thịt chó và chim mồi".
Câu chuyện từ trong bữa ăn lan sang bàn nước và kéo dài ra tận nơi
hóng mát ngoài vườn cây. Qua nét mặt tôi cảm thấy rõ một lối lo lắng bao
trùm lên bà chị dâu tôi. Trong ngôi nhà yên ấm và vui vẻ này bỗng nhiên
xuất hiện một con người có gốc gác Việt Minh, tham gia kháng chiến có thể
làm suy đồi cái vốn chính trị mà từ lâu chị đã cố gắng vun vén, mua bán
cho chồng. Anh tôi thì vẫn bình thản, còn ông Cự Phách thì lại tỏ ra thú vị
như một người hiếu kỳ được thấy tận mắt một dị nhân.
Chiều hôm đó, khi chỉ có hai anh em ngồi với nhau, anh tôi mới hỏi về
những dự định tương lai của tôi. Tôi hỏi:
- Nhưng nay chiến tranh đã làm gián đoạn sự học hành của em. Tuy
vậy, đến nay em vẫn muốn được tiếp tục đi học. Không có mảnh bằng trong
tay khó mà lập nghiệp nổi ở cái chốn đua tranh này.
- Thế em sẽ bắt đầu từ đâu?
- Từ đệ nhị chuyên khoa anh ạ. Em định gắng sức trong hai năm để có
bằng tú tài.
- Em có chí như vậy là rất tốt. Tuổi em cũng đã lớn. Em phải đi học tư
và thi tự do. Anh sẽ giúp đỡ em thêm.