Tuy Nhạn vương đã bước xuống chính đàn, nhưng Phương Khâm vẫn cảm
thấy y ở kinh thành là một việc như hóc xương trong họng vậy.
Theo lý đả xà tùy côn, đối phó kẻ địch chính trị nên một kích tất sát, nhưng
cớ từ quan của Nhạn vương không phải do bản thân Phương Khâm bày ra,
cả sự việc không nằm trong tầm khống chế của hắn, vả lại thân phận Nhạn
thân vương rất khó xử lý, trừ đại tội mưu phản ra, quả thật cũng chẳng còn
cái gì có thể đuổi tận giết tuyệt y.
Phương Khâm đành phải nghĩ mọi cách đuổi y đi thật xa.
Hai chữ “hiệp trợ” cực kỳ vi diệu, ý nghĩa là chuyện này không phải do
Nhạn vương chủ đạo, y chỉ có nghĩa vụ, không có quyền lực. Thành công
cũng là công lao của chính sứ, nhưng vạn nhất có rắc rối gì, thì sẽ có nhiều
chỗ để bôi nhọ Nhạn vương.
Tiếc thay, trời không chiều lòng người, “rắc rối” Phương Khâm hi vọng
nhìn thấy không xuất hiện, Nhạn vương ở đại doanh Giang Bắc như cá gặp
nước, nhân duyên cực tốt. Y vốn đã rất được yêu quý, lại có tình cảm kề vai
chiến đấu với chúng tướng sĩ, còn có thể diện của Chung lão tướng quân và
Cố Quân bảo đảm cho.
Sứ giả triều đình phái ra rất tinh mắt, sau khi đến Giang Bắc hết thảy răm
rắp nghe theo Nhạn vương, lại thêm Cố Quân bình nhật thư từ không
ngừng, mươi bữa nửa tháng còn đặc biệt đến thăm, việc ức hiếp người Tây
Dương ở ven bờ Lưỡng Giang có thể nói là hết sức thuận lợi, trong lúc này
đánh ba bốn chiến dịch cỡ nhỏ trên sông, lợi chiếm được, binh cũng được
luyện, Lý Phong cũng chẳng thể nói gì, ngược lại cảm thấy hơi có lỗi với
Nhạn vương – xa thơm gần thối chính là đạo lý này.
Mà cùng lúc đó, một việc khác làm Phương Khâm bất ngờ đã xảy ra, khiến
hắn chẳng còn tinh lực để thừa cơ xếp thế lực vào vùng Lưỡng Giang-
Đợt phong hỏa phiếu đầu tiên đến kỳ, phải trả tiền.