Thế gia nhiều đời truyền lại, của cải đều rất nhiều, cơ hồ họ nào cũng có
hàng loạt thôn trang và đất đai, từ thời Nguyên Hòa giá lương thực không
ngừng giảm, để có thu nhập đều đều, các đại thế gia âm thầm theo thương,
biến sự lén lút thời Vũ đế thành phong trào như hiện giờ. Việc này một mặt
vô hình trung khiến thương hộ vốn ở mạt lưu bắt đầu tiến dần từng bước,
một mặt cũng đang không ngừng ảnh hưởng đến thương hộ dân gian.
Đại Lương từ Thái tổ Hoàng đế đã bắt đầu có pháp lệnh, những người có
công danh, vương công quý tộc, không được tranh lợi với dân, bởi vì
thương một khi dính chữ “quan” , sẽ không còn là thương thuần túy, dù
không chủ động ức hiếp người ta, cũng tất có tiểu nhân cậy thế.
Thù hận giữa cựu thế gia và tân quý tồn tại đã lâu, không phải chuyện của
một triều một thời.
Lúc này tân quý lên đài, chẳng khác nào cá khô trở mình, không phải gió
đông thổi bạt gió tây thì là gió tây thổi bạt gió đông, cựu thế gia dĩ nhiên
phải dốc hết sức chèn ép. Thù mới hận cũ chất lại, khi quốc gia rối ren còn
có thể bịt mũi vạn người một lòng, giờ đây man tộc cúi đầu, Giang Nam lại
có thể bớt ra một tay, chiến cuộc có vẻ chẳng cấp bách lắm, liền lập tức
bùng lên như đau đẻ vậy.
Nhạn vương sau khi về triều ngay cả hòa hoãn xung đột cũng không có,
chờ y chính là cãi vã ỏm tỏi trên đại triều hội.
Cãi từ có nên hủy phong hỏa phiếu phiền toái lớn này hay không, đến đủ
loại tệ đoan của tân lại trị, sau cùng công kích đến Ban vận hà. Kế đó lại cãi
từ vương quyền đến dân quyền, từ trật tự dân thương sang gia pháp tổ tông,
cuối cùng chiến hỏa không biết làm sao mà còn lan sang quân đội, bắt đầu
từ chi phí của trú quân tứ cảnh trước mắt, như ngựa hoang thoát cương lao
thẳng đến vấn đề Giang Nam rốt cuộc có nên tiếp tục đánh hay không –
Đảng Phương Khâm xem như bắt được căn bản của Nhạn vương, nếu
không phải mấy năm nay chi phí chiến tranh khổng lồ, quốc khố mỗi ngày
đều đang kêu nghèo đến khàn cả giọng, Nhạn vương cũng chẳng nắm được
cơ hội một lòng hướng về tiền, khuấy triều đình rối tung như vậy.