Hai đứa cùng thò đầu dòm dốc núi Tướng Quân, có điều là sợ truyền thuyết
ma quỷ lộng hành nên chẳng đứa nào dám đến gần.
Cát Bàn Tiểu tay cầm cái ống đồng “thiên lý nhãn” , thò đầu cố gắng nhìn
về hướng dốc núi Tướng Quân, miệng lẩm bẩm: “Ngươi nói mặt trời cũng
lặn rồi mà còn chưa chịu xuống núi, đại ca ta thật là… Đó gọi là gì nhỉ – à,
là thượng điếu tích cốc!”
Tào Nương Tử: “Đó gọi là huyền lương thích cổ(1) , đừng nói nhảm nữa,
mau đưa thiên lý nhãn cho ta!”
Nha đầu dỏm này thường xuyên kịch giả làm thật, tiếc rằng phương hướng
có chút vấn đề, khuê tú đâu chưa thấy, ngược lại y hệt mụ đàn bà chanh
chua, đặc biệt khoái dùng đôi móng gà cào người ta.
Nó vừa thò tay thì lớp mỡ của Cát Bàn Tiểu liền nhức nhối, vội chắp tay
dâng thiên lý nhãn, dặn đi dặn lại: “Ngươi nhớ cẩn thận, nếu làm hỏng,
nhất định cha ta sẽ tẩn ta thành nhân bánh đó.”
“Thiên lý nhãn” là cái ống tròn làm bằng đồng, xung quanh khắc “ngũ bức”
(2) , bên trong có một mảnh lưu ly trong suốt, chụp lên mắt thì thỏ cách
mười dặm hơn cũng có thể nhận ra đực cái.
Cái của Cát Bàn Tiểu khá tinh xảo, do tổ phụ từng làm lính trinh sát để lại.
Tào Nương Tử cầm món đồ mới mẻ trong tay cả buổi, giơ lên dòm sao trời:
“Rõ thật!”
Cát Bàn Tiểu nhìn theo tầm mắt nó, chỉ dạy: “Ta biết, đó gọi là sao Hôm,
còn có tên khác là ‘sao Trường Canh’, giống tên đại ca ta, Thẩm tiên sinh
từng dạy, ta vẫn còn nhớ đây.”
Tào Nương Tử bĩu môi: “Ai là ‘đại ca ngươi’? Ngươi xem người ta có thèm
để ý tới ngươi không? Dày mặt đuổi theo người ta đòi nhận đại ca, thật đê
tiện… Ôi, từ từ, ngươi xem kia có phải là y không?”
Cát Bàn Tiểu nhìn theo hướng ngón tay nó, thấy đúng thế thật.