Bằng không chờ đại quân Tây Dương áp được trận kịp phản ứng lại, chút ít
khinh kỵ của họ chắc cũng chỉ làm thức ăn cho người ta – đương nhiên, chờ
phản ứng được thì gió xoáy đã thổi qua, biến mất trong bóng đêm mờ mịt,
không tìm thấy nữa.
Ngày mười lăm tháng Tư năm Long An thứ bảy, Huyền Thiết doanh nửa
đêm tập kích quân Tây Dương ở phía Tây thành Đông An.
Mười bảy tháng Tư, quân Tây Dương đi trước bị Huyền Thiết doanh dắt
mũi chạy hai ngày, không chịu nổi quấy nhiễu phải thỉnh cầu tăng viện từ
hậu viện trên biển, án binh bất động.
Hai mươi ba tháng Tư, tăng viện của quân Tây Dương đến, Huyền Thiết
khinh kỵ bị ép phải lui thủ, quân Tây Dương thừa thắng truy kích, đuổi đến
Vũ Thanh, bị Cố Quân dẫn vào bẫy đụng chạm lưới cấm không, ưng giáp
Tây Dương tổn thất hơn một nửa, không thể không lui thủ lần nữa.
Hai mươi sáu tháng Tư, thương thế hơi khởi sắc, Giáo hoàng tức khắc thân
chinh.
Hai mươi chín tháng Tư, Vũ Thanh thất thủ.
Mùng ba tháng Năm, phủ Đại Hưng bị trọng pháo của quân Tây Dương
bắn phá.
Mấy vạn đại quân Tây Dương từng bước áp sát, Cố Quân dẫn một số khinh
kỵ và ưng giáp Bắc đại doanh đọ sức gần một tháng, rốt cuộc khó lòng tiếp
tục.
Mùng bảy, Cố Quân lui thủ kinh sư, cửu môn đóng chặt, mà viện quân vẫn
chưa tới.
Đến đây, ân oán tình thù lui hết ra sau tường thành, kinh thành Đại Lương
trong lúc cây xanh rợp bóng đã vào hạ, trên du hồ nhân tạo lại không còn
thuyền hoa sênh ca, người Tây Dương rốt cuộc phái sứ giả ra vẻ đạo mạo
tới.